Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ cho biết, dù thị trường có dấu hiệu cải thiện, ngành bất động sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là về thanh khoản và nguồn cung. Điều này thể hiện rõ ở việc, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp vẫn như đang đi trên băng mỏng, không có sự bứt phá, thậm chí "cài số lùi".
Không có mức thưởng Tết cao như cách đây 3 năm
Cũng theo ông Toản, trong những năm gần đây, rất ít doanh nghiệp bất động sản có thể duy trì mức thưởng Tết lớn như trước. Mức thưởng Tết hiện nay phụ thuộc vào doanh số kinh doanh của từng công ty, nhưng việc duy trì được tháng lương thứ 13 đã được xem là một nỗ lực đáng kể. Tuy nhiên, năm nay, thưởng Tết chủ yếu tập trung vào một số chủ đầu tư lớn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cũng nhận định rằng, mức thưởng Tết năm nay sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp. Những công ty nhỏ, đặc biệt là những đơn vị gặp khó khăn về pháp lý hoặc thiếu dự án, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc chi thưởng.
Tương tự, ông Giang Anh Tuấn, Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh phân tích, từ giữa năm 2022 đến nay, không ít doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình cảnh khó khăn khi không có sản phẩm để bán, nhưng vẫn phải duy trì hoạt động hệ thống với ngân sách lớn. Hơn nữa, dòng tiền dự trữ từ năm 2022 đang dần cạn kiệt, trong khi nhiều công ty vẫn chưa nhận được tiền phí môi giới từ các chủ đầu tư.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng, thị trường bất động sản năm 2024 vẫn gặp nhiều thách thức, chủ yếu do nguồn cung hạn chế, giá nhà cao và lượng khách tìm mua không nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp chuyên bán hàng tại các dự án lớn đang phải đối mặt với áp lực thiếu nguồn hàng, dẫn đến tình trạng thua lỗ kéo dài. Thưởng Tết tại những công ty này, theo ông, có thể rất thấp hoặc thậm chí không có.
Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding chia sẻ, đây là năm đầu tiên công ty ông không thể chi thưởng Tết. Thay vào đó, công ty chỉ có thể tặng quà và hỗ trợ vé xe cho nhân viên ở xa về quê.
Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc khác tại TP.HCM cũng bày tỏ sự khó khăn khi công ty đã thua lỗ ba năm liên tiếp, số lượng nhân viên bị cắt giảm một nửa, và các chế độ đã bị loại bỏ hoàn toàn. Theo đó, công ty chỉ cố gắng trả lương cơ bản đúng hạn cho nhân viên, còn thưởng Tết “là điều không thể”.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, các doanh nghiệp bất động sản trong năm nay vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, do đó mức thưởng Tết sẽ không thể cao như ba năm trước. Mặc dù một số công ty có thể thưởng lớn hoặc khá, nhưng số lượng này là rất ít.
Nhận định từ các môi giới bất động sản cho biết, mức thưởng Tết năm nay khó có thể so sánh với thời kỳ "sốt nóng" của thị trường. Nhiều đơn vị thậm chí không có thưởng, tuy nhiên, các công ty chuyên về nhà đất thổ cư hoặc các dự án chung cư tại Hà Nội có thể thưởng tốt hơn so với năm ngoái, dao động từ 50 đến 100 triệu đồng/người.
Kết quả kinh doanh chưa có nhiều khởi sắc
Thống kê kết quả kinh doanh của đa số doanh nghiệp đầu ngành cho thấy, nhiều đơn vị có mức đã tăng trưởng doanh thu ấn tượng sau thời gian dài thị trường lao dốc rõ ràng là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nếu xét trên toàn cảnh, khó khăn vẫn đang bao trùm, khiến bức tranh lợi nhuận của khối doanh nghiệp nhà ở không mấy khả quan.
Cụ thể, thị trường bất động sản đang thể hiện sự “cô đặc” với lợi nhuận tập trung chủ yếu ở một số doanh nghiệp lớn, có lợi thế vượt trội so với phần còn lại. Trong đó, Vingroup – Vinhomes tiếp tục duy trì vị thế "độc tôn", khi có khả năng triển khai đồng loạt các dự án quy mô lớn và "chia bánh" với các đối tác chiến lược như Masterise Group, MIK Group, hay CapitaLand.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản nhà ở vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng "lùi lại" về lợi nhuận. Một ví dụ điển hình là Novaland, mặc dù lợi nhuận quý III tăng đột biến, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ và vượt mốc 3.000 tỷ đồng, nhưng con số này vẫn không đủ để công ty ghi nhận lãi sau 9 tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, Novaland đã ghi nhận khoản lỗ hơn 4.100 tỷ đồng do trong nửa đầu năm, công ty phải chịu lỗ ròng hơn 7.200 tỷ đồng, chủ yếu vì phải tăng cường trích lập dự phòng và chi phí tài chính theo yêu cầu của kiểm toán đối với tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp liên quan đến dự án 30,1 ha Nam Rạch Chiếc (TP. HCM).
Ngay cả những doanh nghiệp báo lãi, cũng vẫn phải đối mặt với bài toán lợi nhuận “mỏng như lá lúa” so với quy mô như Lideco (3,5 tỷ đồng), Fideco (2,4 tỷ đồng), BGI Group (2 tỷ đồng), TTC Land (800 triệu đồng)…Hay báo cáo tăng trưởng lợi nhuận mạnh, nhưng giá trị thực tế lại khá khiêm tốn như Quốc Cường Gia Lai tăng 2,5 lần, đạt 25 tỷ đồng; Hải Phát Invest tăng 2,7 lần, đạt 12 tỷ đồng; Kosy tăng 2,4 lần, đạt 11 tỷ đồng; Fideco tăng 3 lần, đạt 2,4 tỷ đồng…
Một rủi ro lớn đối với thị trường bất động sản trong phần còn lại của năm 2024 là tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lên tới 54.414 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 42,7% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản, tương đương 23.251 tỷ đồng. Dự báo trong 12 tháng tới, khoảng 45% trong số 245.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn sẽ rơi vào ngành bất động sản nhà ở. Ước tính, có khoảng 42.000 tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc, trong đó 47% thuộc nhóm bất động sản nhà ở.
Đồng thời, thu nhập của khách hàng cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm tăng trưởng kinh tế gần đây. Thêm vào đó, tâm lý phòng thủ trước biến động của các kênh đầu tư, cùng với tác động từ thị trường tài chính toàn cầu, khiến khách hàng trở nên thận trọng hơn trong việc đưa ra quyết định đầu tư.