Thói quen săn sale của người trẻ: Giải pháp tiết kiệm hay cái “bẫy mua sắm”?

Không ít bạn trẻ đã bị cuốn vào cơn lốc săn sale vì nghĩ rằng đó là cách để tiết kiệm, nhưng thực tế lại tiêu tốn rất nhiều tiền vào các chương trình khuyến mãi, đại hạ giá mà không nhận ra.

Tiếc giảm giá nên chọn mua

Nguyễn Thùy Linh (23 tuổi, quận Bình Tân, TP. HCM) chia sẻ, vào những ngày sale lớn như 11/11, 12/12, cô cùng bạn bè thức đến 0h, chuẩn bị sẵn sàng các món cần mua trong giỏ hàng để nhanh tay chốt đơn. Tuy nhiên, trong lúc hưng phấn, Linh không thể cưỡng lại việc mua thêm nhiều món khác dù không thực sự cần thiết.

Linh bảo, giá rẻ quá, không mua thì tiếc. Nhiều lần cô đặt cả chục món, nhận hàng rồi lại không biết làm gì với chúng, nhưng vì ham giá rẻ nên cứ mua. Mặc dù các món đồ chỉ có giá vài chục ngàn, cô vẫn ngỡ ngàng khi phát hiện ra số tiền mình đã chi trả tới vài triệu đồng vì có tới hàng chục đơn mua. Mới giữa tháng, Linh đã cạn túi và phải vay tiền từ bạn bè để xoay sở.

giam-gia-1-1734136946.jpg
Nhiều người trẻ vô tình bị cuốn vào "cơn lốc" săn sale mà bản thân không nhận ra

Còn Còn Phan Thị Thảo (20 tuổi, sinh viên một trường đại học tại TP. HCM) lại săn sale theo kiểu "làm tròn". Cô từng săn được mã giảm giá 20 - 30% cho đơn hàng trị giá 1 triệu đồng. Nhưng do không đủ điều kiện sử dụng mã, cô lại phải mua thêm vài món nhỏ để đạt mức chi tiêu cần thiết.

Cứ như vậy, từ nhu cầu ban đầu khá ít, Thảo đã tiêu nhiều hơn chỉ vì không muốn bỏ lỡ cơ hội giảm giá. Chỉ vì để đủ điều kiện sử dụng voucher, cô đã từng nhận “trái đắng” khi mua chiếc quần jeans 350.000 đồng được giảm 40%. Quần thì trông thời thượng trên hình, nhưng khi nhận hàng, chất vải lại thô, màu sắc và kích cỡ không giống như mô tả.

Thảo chia sẻ, cô đã nghe nhiều cảnh báo về các chương trình khuyến mãi ảo để xả hàng tồn kho, hàng kém chất lượng. Nhưng không ngờ có lúc mình lại trở thành nạn nhân của chiêu trò này.

Trong khi đó, Nguyễn Mai Hoa (24 tuổi, sống tại Hà Nội) thừa nhận rằng cô khó lòng cưỡng lại sức hút của những đợt giảm giá "sốc". Các nền tảng thương mại điện tử thường triển khai những ưu đãi hấp dẫn như "mua một tặng một" hoặc các sản phẩm chỉ có giá 1.000 đồng để thu hút người tiêu dùng. Những lúc đó, cô thường đặt mua hàng loạt món đồ nhỏ như dây buộc tóc, tất hay khăn lau… Nhưng sau khi nhận được, có những món đồ cô lại không biết dùng vào việc gì.

Hoa thú nhận, mặc dù nhận thức được thói quen mua sắm của mình không thực sự hợp lý, cô vẫn khó từ bỏ cảm giác "nôn nao" mỗi khi có khuyến mãi mà không mua gì. Nếu hôm nào có chương trình giảm giá mà mình không đặt được món nào, cô lại thấy như thiếu cái gì đó.

Kế hoạch quản lý tài chính cá nhân rõ ràng

Làm nhân viên văn phòng tại một công ty start-up với mức lương thấp, Phạm Thu Phương (24 tuổi, TP. HCM) quyết định tiết kiệm bằng mọi cách, trong đó có việc săn sale mỗi tháng. Chiến lược của Phương là cứ đến các ngày sale lớn hoặc cuối tháng, cô sẽ để sẵn món đồ cần mua trong giỏ hàng rồi canh giờ để áp mã giảm giá. Nhờ vậy, cô tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.

Khi mới tham gia vào "cuộc đua" săn sale, Phương cũng từng mua sắm quá tay. Sau vài lần rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách, cô đã rút ra kinh nghiệm và bắt đầu đặt ra một khoản chi tiêu cố định cho việc mua sắm, không còn mua sắm ngẫu hứng nữa.

Phương bảo, phải phân biệt rõ giữa nhu cầu thực sự và mong muốn nhất thời. Bởi mua một món đồ chỉ vì cảm giác tiếc khi giảm giá có thể khiến chúng ta rơi vào tình trạng tài chính kiệt quệ chỉ trong vài tuần.

giam-gia-1734136946.jpg
Các sàn thương mại điện tử thường tung ra các mã giảm giá hấp dẫn để kích cầu người tiêu dùng

Còn Hoàng Minh Thư (23 tuổi, TP. HCM) đã tối ưu hóa chiến lược săn sale của mình bằng cách lập danh sách những món đồ cần mua. Mỗi đợt sale, cô chỉ mua những món có trong danh sách, tuyệt đối không mua thêm gì, dù có được giảm giá mạnh.

Thư cũng tiết lộ, cô chỉ thanh toán không tiền mặt khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Một phần là để nhận thêm mã giảm giá và miễn phí vận chuyển, phần khác giúp cô dễ dàng kiểm soát chi tiêu nhờ vào các con số thống kê trên tài khoản.

Làm marketing tại một công ty thực phẩm, Trần Thị Ngọc Nhi (Gò Vấp, TP. HCM) cho biết thu nhập trung bình mỗi tháng của cô khoảng 8,5 triệu đồng, thỉnh thoảng có thưởng doanh số nếu vượt chỉ tiêu.

Với mức lương không quá cao, cô cần phải quản lý chi tiêu một cách chặt chẽ. Cô phân chia thu nhập thành ba khoản: chi tiêu thiết yếu, chi tiêu không thiết yếu và tiết kiệm. Các khoản thiết yếu bao gồm tiền thuê trọ 1,6 triệu đồng (bao gồm điện nước cho phòng 3 người), gửi về cho cha mẹ 1 triệu đồng, ăn uống 2,5 triệu đồng, xăng xe 500.000 đồng.

Các khoản có thể linh động như giải trí, cà phê với bạn bè, tham gia tiệc tùng dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Chi tiêu cho mua sắm nhỏ lẻ, đồ dùng cá nhân (chỉ mua những thứ cần thiết) khoảng 500.000 đồng.

Cuối cùng là khoản tiết kiệm. Đây là số tiền còn lại sau khi đã trừ hết các chi phí, thường chiếm khoảng 15% thu nhập, đôi khi chỉ còn 10% nếu chi phí vượt dự tính. Khoản tiết kiệm này vừa là quỹ khẩn cấp, vừa là khoản đầu tư dài hạn. Nhi chia số tiền này làm hai phần: một phần giữ phòng rủi ro, phần còn lại cô đầu tư vào chứng chỉ quỹ như một cách tích cóp lâu dài.

Theo Nhi, mặc dù mức thu nhập chỉ khoảng 8 triệu đồng, nhưng nhờ vào việc tiêu xài hợp lý, kiềm chế không rơi vào "bẫy mua sắm" và may mắn không phải gánh nặng nợ nần, cô vẫn có thể tiết kiệm được một khoản. Cô gái trẻ bộc bạch, nếu phải trả nợ mỗi tháng, có lẽ cô không thể để dành được gì. Hiện cô đang rất trông chờ vào khoản thưởng Tết sắp tới, vì Tết sẽ có nhiều khoản phải chi.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cho rằng, để có thể tiết kiệm được, các bạn trẻ cần rèn luyện kỹ năng quản lý chi tiêu, thay vì mua sắm vô tội vạ hoặc bị ảnh hưởng tâm lý đám đông khiến việc chi tiêu mất kiểm soát. Các bạn trẻ nên đặt ra mục tiêu tài chính cá nhân và xây dựng một kế hoạch chi tiêu rõ ràng, có thể ghi chép vào sổ, điện thoại, máy tính, hoặc sử dụng ứng dụng để theo dõi thu chi.

Ông An nhấn mạnh, với những bạn có thói quen chi tiêu chưa hợp lý, nếu không tự kiểm soát được, có thể nhắc nhở mình bằng cách ghi chú trên điện thoại, máy tính, hoặc để ghi chú ở nơi dễ nhìn thấy, thậm chí nhờ người thân nhắc nhở. Khi nhìn vào bảng thu chi, bạn sẽ nhận ra liệu mình có đang phung phí hay không, từ đó điều chỉnh lại.

Để tránh mắc vào bẫy chi tiêu không kiểm soát, nhiều chuyên gia tài chính cũng khuyến nghị giới trẻ nên thiết lập một kế hoạch quản lý tài chính cá nhân rõ ràng và hạn chế việc mua sắm theo cảm hứng. Cụ thể, bạn nên xác định ngân sách hàng tháng dành cho việc mua sắm, bao gồm cả khoản chi cho các chương trình khuyến mãi nếu cần. Việc giới hạn một số tiền cố định sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu và tránh tình trạng vượt ngân sách.

Bên cạnh đó, cần xem xét kỹ lưỡng giữa nhu cầu thực sự và mong muốn nhất thời. Việc mua sắm chỉ vì cảm giác "tiếc rẻ" khi thấy giảm giá không đáng để bạn phải đánh đổi bằng những căng thẳng tài chính trong tương lai.

Tiêu dùng thông minh không đồng nghĩa với việc cắt giảm hoàn toàn chi tiêu mà là biết trân trọng giá trị của từng đồng tiền. Thay vì bị cuốn vào "cơn lốc giảm giá", hãy tập trung vào các mục tiêu tài chính dài hạn và chi tiêu một cách hợp lý. Điều này không chỉ giúp bạn giữ vững được sự kiểm soát tài chính mà còn thể hiện sự tự chủ và bản lĩnh trong cuộc sống.