Từ vụ luật sư sửa giấy ủy quyền, lừa đảo chiếm đoạt 29 tỷ đồng: Dân khó tránh "bẫy" của kẻ thạo luật

Thời gian qua, nhiều vụ việc lừa đảo liên quan đến luật sư đã được cơ quan công an xử lý. Việc một số luật sư, với kiến thức chuyên sâu về pháp lý, lẽ ra phải là người bảo vệ công lý và tuân thủ pháp luật, thì họ lại lợi dụng sự hiểu biết của mình để bày ra những chiêu trò lừa đảo tinh vi khiến đông đảo người dân bức xúc.

Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bình Dương thông báo đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Văn Sốp (SN 1973, nghề nghiệp luật sư) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

luat-su-1734065241.jpg
Đối tượng Hồ Văn Sốp bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo cơ quan điều tra, vào tháng 6/2022, Sốp đã nhận làm dịch vụ pháp lý liên quan đến đất đai cho một cá nhân tại phường Hiệp Thành (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương). Bằng cách thay đổi nội dung hợp đồng từ ủy quyền thực hiện dịch vụ chuyển mục đích sử dụng đất sang ủy quyền toàn phần (cho phép có quyền mua bán, tặng cho…), Sốp đã thực hiện thủ tục tách thửa đất thành 2 mảnh rồi tự ý chuyển nhượng cho người khác.

Sau đó, Sốp mang thửa đất đi thế chấp tại ngân hàng để vay gần 29 tỷ đồng. Hành vi này đã khiến chủ sở hữu ban đầu mất quyền sử dụng đối với thửa đất của mình. Cơ quan công an xác định, Sốp đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đây, nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có sự tham dự của luật sư cũng đã xảy ra. Như vào ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận Bình Thạnh (TP. HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Minh Thái (luật sư) và Nguyễn Đức Hải (nhân viên của Thái) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ.

Theo kết quả điều tra, tài sản nhà đất tại số 270A Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) thuộc sở hữu của vợ chồng ông Võ Doãn Ất và bà Đặng Thị Nhãn, được thừa kế bởi 11 người con và cháu. Trong đó, 3 người con là Võ Doãn Tấn, Võ Doãn Mỹ Thạnh và Võ Doãn Mỹ Phước sống tại Việt Nam, còn 8 người khác sinh sống ở nước ngoài. Nhằm chiếm đoạt tài sản trên, Tấn, Thạnh và Phước đã thuê luật sư Lê Minh Thái làm giả hồ sơ chuyển nhượng với giá 1,6 tỷ đồng.

luat-su-1-1734065241.jpg
Bị can Lê Minh Thái (trái) bị khởi tố, bắt tạm giam

Trước đó, ngày 31/12/2020, TAND Cấp cao TP. HCM đã bác kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm (24 năm tù) đối với bị cáo Phạm Thị Ái Liên (44 tuổi) - nguyên luật sư của Văn phòng Luật sư Phạm Nguyễn thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ, Liên nguyên là luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp. Bị cáo Liên đã lợi dụng mối quan hệ nghề nghiệp để làm quen với một số người, trong đó có những người yêu cầu bị cáo bảo vệ quyền lợi của họ trong các vụ kiện dân sự.

Sau đó, bị cáo hỏi vay tiền của họ với lãi suất từ 3 - 12%/tháng. Khi vay tiền, Liên nói để cho người khác vay lại hoặc đáo nợ ngân hàng nhưng thực chất Liên sử dụng vào việc trả nợ vay trước đó và tiêu xài cá nhân. Đến thời điểm bị bắt, Liên đã chiếm đoạt của 5 bị hại với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.

Việc luật sư vi phạm pháp luật, đặc biệt trong những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một vấn đề nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân. Luật sư, với kiến thức chuyên sâu về pháp lý, lẽ ra phải là người bảo vệ công lý và tuân thủ pháp luật, thì họ lại lợi dụng sự hiểu biết của mình để bày ra những chiêu trò lừa đảo tinh vi.

Chính vì sự hiểu biết sâu sắc về quy trình pháp lý và kẻ hở trong hệ thống, các hành vi lừa đảo do luật sư thực hiện càng trở nên khó phát hiện và ngăn chặn. Người dân, đặc biệt là những người không am hiểu pháp luật, rất dễ rơi vào bẫy mà các đối tượng này giăng ra. Đây là lý do tại sao những vụ việc như vậy cần được xử lý nghiêm minh, không chỉ để trừng phạt hành vi sai trái mà còn nhằm bảo vệ niềm tin của công chúng đối với hệ thống pháp lý và các luật sư trong xã hội.