Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu kiểm tra, rà soát các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, qua đó nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý thị trường.
Đưa các sàn giao dịch bất động sản vào quy củ
Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chức năng kiểm tra, rà soát sàn giao dịch bất động sản; phân loại và lập danh sách báo cáo UBND Thành phố thông qua Sở Xây dựng. Các doanh nghiệp cần hoàn thiện hồ sơ năng lực và gửi báo cáo trước ngày 31/12/2024.
Đối với các sàn giao dịch không đáp ứng điều kiện theo quy định, Sở sẽ tiến hành gỡ bỏ thông tin trên trang web của mình và báo cáo Bộ Xây dựng để xóa dữ liệu trên hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản.
Khoảng 3-4 năm qua, thị trường bất động sản trải qua nhiều đợt “sốt nóng” do nhóm đầu cơ và môi giới thao túng, đẩy giá để kiếm lời. Nhiều phiên đấu giá vùng ven Hà Nội ghi nhận mức giá trúng trên trăm triệu đồng/m², mà theo Bộ Xây dựng, có dấu hiệu bị thao túng giá. Tương tự, ở phân khúc chung cư, tình trạng khan hiếm nguồn cung bị lợi dụng để tăng giá bán từ 5-20%, khiến giá nhà ở ngày càng vượt xa khả năng chi trả của người dân, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội và kinh tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng này diễn ra thường xuyên do các chế tài chưa đủ sức răn đe. Theo đó, mức vi phạm hành chính cao nhất đối với các sàn giao dịch bất động sản là 200-250 triệu đồng khi chào bán sản phẩm không đủ điều kiện hoặc cung cấp thông tin không trung thực. Các hình phạt bổ sung bao gồm đình chỉ hoạt động kinh doanh từ 6-9 tháng. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng về chế tài xử lý hành vi "đẩy giá" bất động sản.
“Mức phạt hiện nay không đáng kể so với những khoản lợi mà các sàn thu được từ một dự án, khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Điều này gây tổn thất lớn đến quyền lợi khách hàng, làm giảm tính minh bạch của thị trường và ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý của Nhà nước”, ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) nhận định,
Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội về quản lý bất động sản giai đoạn 2015-2023 cũng chỉ ra rằng chế tài xử phạt hiện tại chưa đủ mạnh để xử lý các vi phạm trong kinh doanh bất động sản, bao gồm cả hành vi kê khai thông tin sai lệch. Đoàn giám sát kiến nghị cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn, như sớm ban hành chính sách thuế bất động sản để ngăn chặn hiện tượng thao túng, tạo sốt giá, và tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ địa ốc.
Cần thêm cơ chế giám sát sàn giao dịch bất động sản
Thực tế, song hành với sự phát triển của thị trường bất động sản, các sàn giao dịch ngày càng góp phần định hình một sân chơi minh bạch, mang lại lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư và các bên tham gia. Tuy nhiên, để đáp ứng sự mở rộng và phức tạp của thị trường, hoạt động của các sàn giao dịch đòi hỏi khung pháp lý ngày càng chặt chẽ và minh bạch hơn.
Theo Điều 60 của Luật Kinh doanh bất động sản, cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh có thẩm quyền giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các sàn giao dịch bất động sản; thực hiện việc cấp, gia hạn hoặc thu hồi giấy phép hoạt động; đồng thời quyết định tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động đối với các sàn không đạt yêu cầu. Khoản 10, Điều 83 quy định, các sàn giao dịch bất động sản hoạt động trước ngày Luật có hiệu lực phải bổ sung các điều kiện cần thiết trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày luật được thi hành.
Về điều kiện hoạt động, Điều 55 quy định người quản lý, điều hành sàn giao dịch phải có quyền quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo Luật Doanh nghiệp, đồng thời hoàn thành khóa đào tạo chuyên môn và được cấp giấy chứng nhận. Theo Điều 54, sàn giao dịch phải đăng ký hoạt động hợp pháp, có địa điểm cố định, cơ sở vật chất đảm bảo và công khai quy trình giao dịch.
Tuy nhiên, trong một kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây, các chuyên gia của NEU cho rằng cần tăng mức phạt hành chính và kéo dài thời hạn đình chỉ, thậm chí buộc chấm dứt hoạt động đối với các sàn có vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời, các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của việc bổ sung cơ chế kiểm soát công khai giá bán, trình tự giao dịch, và các phí dịch vụ để đảm bảo minh bạch, đặc biệt đối với các dự án bất động sản hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, NEU cũng đề xuất cần quy định rõ tiêu chuẩn thành lập và điều hành sàn giao dịch bất động sản, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn của môi giới. Quản lý chặt chẽ hoạt động sàn giao dịch, yêu cầu ban hành và công khai quy chế hoạt động để các bên giám sát.
Đồng thời, bổ sung quy định về trình tự hợp đồng dịch vụ, tăng chế tài xử phạt vi phạm về báo cáo và công khai thông tin bất động sản. Khuyến khích áp dụng công nghệ, xây dựng hệ thống niêm yết và giao dịch hiện đại. Ngoài ra, cần bổ sung điều kiện về năng lực tài chính, chuyên môn và chứng chỉ hành nghề của nhân viên sàn giao dịch.