Thông tin vừa được chia sẻ từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam mới đây. Trong đó, tuyến cáp quang Liên Á (IA) là tuyến vừa gặp sự cố mới nhất, diễn ra vào rạng sáng ngày 13/6. 2 tuyến cáp quang còn lại là APG (châu Á – Thái Bình Dương_ và AAE-1 (kết nối châu Á – châu Phi – châu Âu) cũng đang trong quá trình thực hiện sửa chữa.
Việc cả 3 tuyến cáp quang quan trọng đồng loạt gặp sự cố đã đang ảnh hưởng lớn tới tốc độ đường truyền Internet Việt Nam đi quốc tế và trải nghiệm của người dùng. Việc truy cập vào các website, dịch vụ có máy chủ đặt tại nước ngoài sẽ trở nên khó khăn hơn. Trái lại, khi truy cập vào các website có máy chủ đặt ở trong nước sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố này.
"Trong mấy ngày hôm nay, mình cảm thấy tốc độ truy cập Internet chậm hơn rất nhiều, vào một số website nước ngoài phải load rất lâu, chưa kể đến việc vào một số game online tốc độ rất chậm, cảm thấy rất khó chịu", anh Trịnh Hùng - một kỹ sư máy tính ở Hà Nội cho biết.
Được biết, hiện các nhà cung cấp dịch vụ trong nước đang gấp rút triển khai các biện pháp khắc phục, phân luồng truy cập sang các tuyến còn lại, đồng thời mở thêm các kênh quốc tế mới, tận dụng cáp quang đất liền… để duy trì kết nối, tối ưu đường truyền cho người dùng internet.
Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có thông tin cụ thể về thời gian dự kiến hoàn tất sửa chữa các các tuyến cáp quang biển.
Mạng lưới Internet Việt Nam kết nối đi quốc tế, bên cạnh các tuyến cáp quang trên đất liền, hiện có 5 tuyến cáp quang biển chính bao gồm AAG (châu Á – Mỹ), APG (Châu Á – Thái Bình Dương), SMW-3 (Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu), IA (Loieen Á), AAE-1 (Châu Á – Châu Phi – Châu Âu). Do đặc điểm thềm lục địa Việt Nam tương đối nông, là khu vực nhiều tàu bè qua lại thường xuyên, mỏ neo của tàu thuyền va chạm khiến cho tình trạng đứt cáp quang thường xuyên diễn ra, gây không ít thiệt hại cho các nhà mạng khi phải tăng cường chi phí sửa chữa liên tục.
Để tăng cường tốc độ truyền dẫn internet Việt Nam đi quốc tế, đồng thời hạn chế sự ảnh hưởng khi cáp quang bị đứt, các nhà mạng Việt cũng đang tăng cường mở rộng, xây dựng mới các tuyến cáp quang biển. Trong đó, Viettel mới đây (11/4/2024) cũng đã hợp tác với Tập đoàn Singapore Telecomunications Limited (Singtel) để triển khai tuyến cáp quang biển Vietnam – Singapore Cable System (VTS) kết nối trực tiếp 2 khu vực. Đây là tuyến cáp quang biển thứ 7 của Việt Nam, sẽ kết nối với Digital Hub lớn nhất châu Á. Trước đó, Viettel đã công bố đầu tư tuyến cáp Asia Direct Cable (ADC) - là tuyến cáp có băng thông lớn nhất Việt Nam, kết nối đến cả 3 Hub IP lớn nhất của khu vực châu Á (Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore), trạm cập bờ tại Quy Nhơn.
FPT (FPT Telecom) cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến cáp quang biển Asia Link Cable (ALC) nối Việt Nam đi quốc tế, có tổng chi phí đầu tư là 87 triệu USD (khoảng 2.100 tỷ đồng).
VNPT cũng đang đầu tư thêm bốn tuyến cáp biển mới, trong đó tuyến SJC 2 (South East Asia – Japan 2) dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong năm nay, bổ sung thêm 18 Tbps lưu lượng quốc tế.
Theo “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” thì đến năm 2030, chúng ta sẽ có tối thiểu 15 tuyến cáp quang biển với tổng dung lượng đạt tối thiểu 334 Tbps.