Chuyện thưởng Tết: Khi “của cho” không bằng “cách cho”

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, thưởng Tết không chỉ là phần thưởng vật chất, mà nên được xem như một cơ hội để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. "Của cho không bằng cách cho", giá trị thực sự của phần thưởng không nằm ở số tiền hay món quà, mà nằm ở cách thức mà doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm và sự tôn trọng đối với người lao động.

Món quà thay lời tri ân

Mới đây, một câu chuyện đặc biệt đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, khi Công ty TNHH Mensa Industries ở Quảng Ngãi quyết định tặng mỗi công nhân trong số 4.400 người của mình một chiếc tivi 40 inch.

Theo Công ty TNHH Mensa Industries, món quà Tết này được thực hiện nhờ sự hỗ trợ từ các đối tác của công ty, khi họ trích một phần lợi nhuận để tri ân những công nhân đã hoàn thành tốt các đơn hàng trong quý IV. Mặc dù giá trị phần thưởng không quá lớn, nhưng nó góp phần giúp công nhân và gia đình họ có một cái Tết ấm áp và đầy đủ hơn.

thuong-tet-1-1735866104.jpg
Công nhân vui mừng khi được thưởng Tết bằng tivi

Hình ảnh những công nhân vui mừng ôm tivi bước ra khỏi cổng công ty để trở về nhà đã nhanh chóng lan tỏa, mang đến niềm vui và sự tích cực trong cộng đồng. Đây cũng là một cách tiếp cận đầy sáng tạo trong việc chăm lo đời sống của người lao động, tạo nên những giá trị đầy ý nghĩa trong dịp Tết.

Câu chuyện của Công ty TNHH Mensa Industries là một ví dụ điển hình cho việc thưởng Tết sáng tạo, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến đời sống của người lao động. Việc tặng tivi không chỉ giúp công nhân có một món đồ dùng thiết yếu trong cuộc sống, mà còn là cách thể hiện sự tri ân và mong muốn mang lại niềm vui cho những người đã đóng góp sức lực vào sự phát triển của công ty.

Năm ngoái, hơn 2.000 công nhân tại Công ty May Sông Hồng khu vực Nghĩa Hưng (Nam Định) đã nhận được một tấm đệm bông dày 7cm, bên cạnh khoản thưởng Tết trị giá hai tháng lương. Món quà này khiến người lao động rất phấn khởi.

Thời điểm đó, đại diện Công ty May Sông Hồng cho hay, 2024 là năm đầu tiên công ty tặng đệm cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên. Mặc dù có thể quy đổi phần quà này ra tiền mặt, nhưng công ty mong muốn các công nhân mang sản phẩm do chính tay mình làm ra về tặng cho gia đình, điều này sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.

Hay vào năm 2023, một công ty tại Bình Dương cũng đã tạo ấn tượng mạnh khi thưởng Tết cho nhân viên một chỉ vàng. Đây là món quà không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang giá trị tinh thần, thể hiện sự đánh giá cao đối với những đóng góp của công nhân trong năm qua. Những hình thức thưởng này, dù khác biệt, nhưng lại rất phù hợp với tình hình thực tế và văn hóa của doanh nghiệp.

Không chỉ có các công ty lớn, những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã thể hiện sự sáng tạo trong việc thưởng Tết cho người lao động. Công ty Cơ điện Minh Khoa ở Củ Chi (TP.HCM) là một ví dụ, khi thay vì tặng quà truyền thống, họ quyết định tặng mỗi công nhân một phần quà Tết gồm 12 món hàng thiết yếu như gạo, mì, gà sống, thịt heo, hạt nêm, trứng gà, miến dong...

Đây là những món quà thực tế, dễ sử dụng, giúp công nhân có một cái Tết ấm no, không lo thiếu thốn. Sự sáng tạo này không chỉ mang đến niềm vui cho người nhận mà còn thể hiện sự hiểu biết và quan tâm của doanh nghiệp đến nhu cầu thiết thực của người lao động.

thuong-tet-1735866104.jpg
Công nhân phấn khởi chở đệm về

Tạo gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động

Luật sư Nguyễn Trọng Hiếu - Đoàn luật sư TP. HCM cho biết, thưởng Tết hiện không được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động, chỉ có quy định thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh hoặc mức độ hoàn thành công việc. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp có quyền quyết định hình thức thưởng Tết cho người lao động tùy thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh hoặc mức độ hoàn thành công việc.

Các doanh nghiệp có thể thưởng Tết bằng tiền mặt, hiện vật hoặc các hình thức khác mà không bị ràng buộc bởi luật lệ cứng nhắc. Việc thưởng Tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với các doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, thưởng Tết không chỉ là phần thưởng vật chất, mà nên được xem như một cơ hội để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Việc công khai, minh bạch quy chế thưởng và tạo điều kiện cho người lao động tham gia vào quá trình đánh giá sẽ góp phần nâng cao lòng tin và sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhân viên.

Và "của cho không bằng cách cho", giá trị thực sự của phần thưởng không nằm ở số tiền hay món quà, mà nằm ở cách thức mà doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm và sự tôn trọng đối với người lao động.

Một món quà ý nghĩa, dù nhỏ, nhưng được trao đúng thời điểm và với thái độ chân thành, luôn mang lại giá trị tinh thần lớn lao hơn rất nhiều. Việc tặng quà Tết bằng hiện vật, như tivi, đệm, gà, gạo… không chỉ là món quà thiết thực mà còn là cách doanh nghiệp thể hiện sự chăm sóc chu đáo, hiểu rõ nhu cầu của nhân viên và gia đình họ trong những ngày Tết cổ truyền.

Các hình thức thưởng khác biệt và sáng tạo cũng giúp tạo dấu ấn riêng cho công ty, đồng thời khuyến khích tinh thần làm việc của người lao động, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn và thị trường lao động có sự cạnh tranh gay gắt.

Văn hóa thưởng Tết trong các doanh nghiệp hiện nay đang ngày càng trở nên đa dạng và sáng tạo. Những món quà Tết không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn là biểu tượng của sự quan tâm, tri ân và động viên tinh thần người lao động.