Cả người tiêu dùng và cơ sở sản xuất đều lo
Mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu mà người dân và các doanh nghiệp chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm nay khá dồi dào. Lượng hàng hóa tại các siêu thị và chợ truyền thống khá phong phú, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi trong năm qua, nguồn cung lương thực, thực phẩm cả trong nước lẫn nhập khẩu đều gặp khó khăn.
Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng giá của một số mặt hàng đã có dấu hiệu tăng nhẹ. Tại nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội, so với tháng trước, giá rau xanh tăng khoảng 10 - 20%, nguyên liệu làm bánh như bột mì, dầu ăn tăng từ 5 - 10%. Giá thịt lợn, gà, cá và hải sản cũng đang trên đà tăng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, giá thịt lợn hơi sẽ tăng khoảng 10 - 15% trong dịp Tết năm nay so với mức giá thường ngày.
Chị Nguyễn Thị Lan - tiểu thương bán hoa quả ở Long Biên (Hà Nội) cho hay, một số loại hoa quả đã bắt đầu tăng giá. Chị dự đoán giá vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh khi sát Tết.
Các năm trước, chị thấy cam canh và bưởi là hai mặt hàng tăng giá mạnh nhất và được tiêu thụ nhiều nhất dịp Tết. Những loại quả này có thể để lâu, rất thích hợp làm quà biếu. Khách hàng của chị thường mua hàng chục thùng bưởi da xanh để biếu Tết. Hiện giá bưởi và cam canh dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, nhưng dự báo sẽ tăng khoảng 20% khi gần Tết.
Trong khi đó, chị Trần Minh Trang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, tháng trước chị mua dầu ăn với giá 175.000 đồng/chai 5 lít, giờ giá đã lên đến 200.000 đồng/chai. Nhiều mặt hàng thiết yếu khác mua ở chợ cũng tăng giá khoảng 5.000 - 7.000 đồng. Nhưng do không có hóa đơn nên chị không để ý. Còn khi đi siêu thị, có hóa đơn để xem lại, chị mới biết giá nhiều mặt hàng đã tăng.
Về việc giá hàng hóa Tết tăng, không chỉ tác động đến người tiêu dùng riêng lẻ mà cả các cơ sở sản xuất. Chị Đặng Ánh Loan - chủ một cơ sở sản xuất bánh Tết tại quận Bình Thạnh (TP. HCM) cho biết, cơ sở vừa nhập lô nguyên liệu làm bánh như bột mì, kem, bơ, sô-cô-la, các loại hạt, dầu ăn. Chị choáng váng khi giá của từng mặt hàng đều tăng từ 5% - 10% so với tháng trước.
Chị Loan chia sẻ, nhà cung cấp giải thích, họ đã nỗ lực bình ổn giá, nhưng do sự biến động của giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển quốc tế và chi phí vận hành tăng vượt quá khả năng kiểm soát, buộc họ phải điều chỉnh giá bán để bù đắp phần chi phí đầu vào tăng.
Chị Loan bảo, dù giá đầu vào tăng tối đa 10%, nhưng chị vẫn chưa thể xác định mức giá bán ra phù hợp. Bởi thị trường bánh Tết đang rất cạnh tranh, với nhiều loại bánh sản xuất công nghiệp có nguồn gốc và xuất xứ không rõ ràng, lại có giá rất rẻ. Cơ sở của chị sử dụng nguyên liệu cao cấp và chất lượng vượt trội, chị vẫn không thể tăng giá bán quá cao.
Tương tự, chị Hồng Ngà - chủ một cửa hàng thực phẩm ở quận 8 (TP. HCM) cũng gặp khó khăn khi liên tục nhận thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp. Do cửa hàng mới hoạt động được hơn nửa năm và lượng khách chưa ổn định, chị đã quyết định giảm lợi nhuận, thậm chí chấp nhận hòa vốn, để giữ giá bán ổn định trong dịp Tết. Tuy nhiên, kế hoạch này giờ đã bị lung lay vì giá đầu vào tăng quá nhanh.
Chị Ngà cho biết, nhà sản xuất các mặt hàng hải sản chế biến thông báo tăng giá 5%, tai heo ngâm chua tăng 11%, giò chả tăng 13%. Gạo ngon cũng có dấu hiệu tăng giá. Các nhà vườn cung cấp trái cây cho hay gần Tết sẽ điều chỉnh giá theo thị trường chung. Chi phí vận chuyển cũng đang trên đà tăng.
Trong khi giá cả đồng loạt tăng, sức mua lại bất ngờ chậm lại trong 2 tuần qua khiến chị Ngà lo lắng. Chị không dám trữ hàng cũng như không dám tăng giá bán.
Xu hướng tiết kiệm, tối giản mua sắm
Từ Tết Nguyên đán năm ngoái, người tiêu dùng Việt đã có nhiều thay đổi trong mua sắm và quà Tết. Mọi người có xu hướng tiết kiệm hơn và lựa chọn các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm mặn, rau củ, bánh kẹo... với mức giá hợp lý, tối ưu chi phí. Xu hướng này xuất phát từ tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. Từ đó, người dân hình thành thói quen chi tiêu thận trọng, tiết kiệm và chú trọng đến giá cả.
Trước việc nhiều mặt hàng tiêu dùng bắt đầu tăng giá, không ít người tiêu dùng bày tỏ lo lắng, đồng thời cũng lên kế hoạch chi tiêu Tết tiết kiệm. Chị Nguyễn Thu (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, chị dự định giảm gần 60% chi phí mua sắm so với mọi năm.
Chị sẽ chi 2 triệu đồng cho quà biếu Tết và 3 triệu đồng cho thực phẩm mặn, hoa quả, bánh kẹo ngày Tết. Tổng mức chi tiêu cho các mặt hàng dịp Tết của chị chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng.
Chị Khánh Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng dự định chỉ chi tối đa 20 triệu đồng cho Tết này, giảm gần một nửa so với năm ngoái. Trong đó, chị dự tính chi khoảng 8 triệu đồng cho các mặt hàng quà Tết, hoa quả, bánh kẹo, thực phẩm mặn. Chị Linh chia sẻ, mọi người đều muốn có một cái Tết ấm cúng, đầy đủ, nhưng do năm nay kinh tế khó khăn hơn, chị chỉ mua những mặt hàng thiết yếu, có giá hợp lý để tránh lãng phí.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để đảm bảo ổn định giá cả, ngăn chặn các biến động giá có thể ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội trong dịp Tết năm 2025.
Cục Quản lý giá được giao chủ trì việc phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để theo dõi tình hình cung cầu, giá cả thị trường, đặc biệt là đối với các mặt hàng có xu hướng tăng giá mạnh. Các đơn vị sẽ phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là những hành vi thao túng giá cả và gian lận thương mại.