Thu giữ số lượng lớn tiền chất nổ
Ngày 26/12, Công an tỉnh Lâm Đồng thông báo đã triệt phá một đường dây buôn bán hóa chất và tiền chất thuốc nổ với số lượng lớn để sản xuất pháo nổ trái phép.
Cụ thể, chiều ngày 25/12, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an huyện Đức Trọng tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện B.V.L (30 tuổi, ngụ huyện Đức Trọng) đang tàng trữ số lượng lớn hóa chất tại nhà.
Số hóa chất này được đựng trong các bao bì có ghi nhãn như BaCO3, KNO3, KCLO4, MgAl, Fe2O3… Ngoài ra còn có nhiều túi hóa chất đã được chiết sẵn theo từng trọng lượng khác nhau để giao cho khách và một số thành phẩm là hóa chất đã được L. pha trộn, có mục đích chế tạo pháo hoa, pháo trứng phục vụ dịp Tết. Tổng số hóa chất thu được lên đến 107,5kg.
Các vật dụng khác bị thu giữ gồm ống thuốc đã trộn sẵn, dây cháy chậm, hàng ngàn vỏ cầu giấy và ly giấy dùng để chế tạo pháo nổ, cùng nhiều thiết bị như cân tiểu ly, máy xay, máy trộn để pha trộn hóa chất.
Làm việc với cơ quan công an, L. khai đã đặt mua tất cả hóa chất và phụ kiện từ các công ty hóa chất ở Hà Nội và Trung Quốc qua mạng xã hội, với tổng trọng lượng hơn 250kg. Sau đó, L. chia nhỏ ra, bán lẻ cho khách hàng có nhu cầu chế tạo pháo nổ. Kiểm tra giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng phát hiện L. đã thực hiện gần 400 đơn hàng, bán ra hơn 150kg hóa chất trên toàn quốc.
Hiện Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang phối hợp với Công an huyện Đức Trọng hoàn tất hồ sơ xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cơ quan chức năng đang phối hợp với công an các địa phương xác minh và xử lý các đối tượng đã mua hóa chất, phụ kiện từ L. để sản xuất pháo nổ.
Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tình trạng mua bán hóa chất trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử để chế tạo pháo nổ trái phép đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn bán này thường trá hình dưới vỏ bọc các sản phẩm thông thường như hóa chất làm phân bón, bột than hay dây dẫn nhiệt, lợi dụng lỗ hổng trong quản lý để cung cấp nguyên liệu chế tạo pháo nổ.
Đây không phải lần đầu cơ quan chức năng triệt phá đường dây buôn bán hoá chất, tiền chất thuốc nổ số lượng lớn. Công an quận Gò Vấp (TP. HCM) từng phát hiện tại một ngôi nhà ở đường Phạm Văn Chiêu, phường 16 nhiều nguyên liệu dùng sản xuất pháo nổ.
Cụ thể, cơ quan công an thu giữ gần 500kg hóa chất thuộc danh mục tiền chất thuốc nổ, gần 100 mét dây cháy chậm, gần 900kg vỏ nhựa hình quả banh các loại nhiều màu sắc; gần 1 tấn ống giấy hình trụ bằng carton các loại; 11 thùng giấy màu đỏ với các kích thước khác nhau.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phát hiện 275 đơn hàng đã được đóng gói sẵn, chuẩn bị gửi đến nhiều địa phương trên toàn quốc, cùng với các tài liệu và máy móc liên quan.
Cần kiểm soát chặt hơn nữa vật liệu nổ
Chỉ trong vài tuần qua, khi Tết Nguyên đán đã cận kề, cả nước đã ghi nhận hàng chục vụ tai nạn do nổ. Những vụ nổ này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, mà còn để lại những di chứng nặng nề về tâm lý và gánh nặng tài chính cho các nạn nhân và gia đình họ.
Theo Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, việc ngăn chặn pháo tự chế ngay từ đầu là rất khó khăn vì nguyên liệu chế tạo pháo rất dễ dàng tìm thấy. Chủ yếu là các hóa chất và vật liệu lưỡng dụng, vốn được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Những nguyên liệu này có thể mua bán hợp pháp và khó có thể kiểm soát.
Ví dụ, lưu huỳnh dùng trong công nghiệp, phân bón, than hay bột than là những thứ không thể cấm hoàn toàn. Khi các thành phần này được trộn với nhau để tạo thành thuốc pháo - một loại vật liệu nổ bị pháp luật cấm - thì mới cấu thành hành vi vi phạm. Tuy nhiên, khi chúng còn ở dạng riêng lẻ, chúng không thuộc danh mục cần quản lý chặt chẽ.
Thêm vào đó, sự tò mò và ham muốn tìm hiểu của các em, đặc biệt là thanh thiếu niên, dễ bị kích thích bởi các nội dung trên mạng. Các nền tảng như YouTube, Facebook hay Zalo có thể chứa nhiều video hướng dẫn cách làm pháo tự chế. Thậm chí, các em còn lập nhóm kín để chia sẻ, hướng dẫn và thách thức nhau thực hiện.
Mặc dù đã có quy định rõ ràng về việc quản lý mua bán chất nổ, nhưng thực tế vẫn tồn tại những bất cập khiến người dân dễ dàng mua bán, kinh doanh các nguyên liệu nguy hiểm, dễ cháy nổ.
Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng cho hay, hiện nay các nguyên liệu chế tạo pháo nổ chủ yếu như bột lưu huỳnh, dây cháy chậm, bột than đá, Kali Clorua… có thể dễ dàng mua bán trên mạng, dưới dạng phân bón hoặc hóa chất, thậm chí là các combo sản phẩm. Đây là những chất được xác định là tiền chất thuốc nổ và thuộc diện quản lý chặt chẽ của nhà nước theo Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Từ góc độ pháp lý, nếu xảy ra tai nạn do tự chế pháo và cơ quan chức năng xác minh tai nạn đó do sản xuất pháo, thì ngoài việc xử lý y tế, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là hình sự. Do đó, phụ huynh cần quan tâm và chú ý đến con em mình, đặc biệt là việc sử dụng pháo. Nếu muốn sử dụng pháo, cần mua sản phẩm được nhà nước sản xuất và bán đúng quy định, tuyệt đối không tự chế pháo.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý và kiểm tra việc mua bán các vật liệu chế tạo pháo trên mạng. Ví dụ, dây cháy chậm rất dễ nhận biết, nếu phát hiện mua bán với số lượng lớn, cơ quan chức năng có thể tiến hành khởi tố hình sự.
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng đánh giá, việc ngăn chặn hành vi buôn bán các vật liệu lưỡng dụng có thể bị lợi dụng để chế tạo pháo là một thách thức lớn. Hiện nay, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là đối với các đơn vị sản xuất và kinh doanh các loại nguyên liệu này.
Pháp luật không cấm việc buôn bán các mặt hàng hợp pháp và người bán không trực tiếp cung cấp nguyên liệu để chế tạo pháo. Các đối tượng chỉ lợi dụng việc mua nguyên liệu để sản xuất pháo. Hai hành vi này là khác nhau hoàn toàn. Vi phạm chỉ xảy ra khi các nguyên liệu bị sử dụng để chế tạo pháo và điều này thường chỉ được phát hiện sau khi quá trình chế tạo đã hoàn tất.