Đây là thông tin được Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế Mai Sơn cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý IV/2024 của Bộ Tài chính.
Giám sát hoạt động kinh doanh của người nổi tiếng
Cũng theo ông Sơn, theo quy định, mọi tổ chức và cá nhân, bất kể là người nổi tiếng hay không, đều có nghĩa vụ tự kê khai và nộp thuế nếu có nguồn thu từ hoạt động kinh doanh. Ngành thuế cho biết đã áp dụng các biện pháp theo dõi, giám sát và tăng cường quản lý thuế đối với một số trường hợp người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng (KOL, KOC) tham gia các hoạt động như livestream bán hàng hoặc tiếp thị liên kết.
Trong quá trình này, cơ quan thuế tiến hành "lọc" danh sách những người nổi tiếng có doanh thu lớn từ các hoạt động livestream bán hàng, đưa vào diện phân loại rủi ro để tiến hành thanh tra và kiểm tra. Cùng với nhóm này, cơ quan thuế đã rà soát khoảng 76.428 cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Trong số này, 30.029 cá nhân đã bị xử lý vi phạm, với tổng số tiền truy thu và xử phạt lên đến 1.223 tỷ đồng.
Ông Sơn cho biết thêm, trong thời gian gần đây, với sự gia tăng các trường hợp người nổi tiếng, KOL tham gia hoạt động như livestream bán hàng và tiếp thị liên kết, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cơ quan thuế cấp dưới tăng cường giám sát và quản lý.
"Các biện pháp này bao gồm tuyên truyền, hỗ trợ, xây dựng mạng lưới kê khai nộp thuế thương mại điện tử cho các cá nhân, ban hành tài liệu hướng dẫn kèm theo, thực hiện chia sẻ dữ liệu từ các bộ, ngành và các sàn TMĐT để đảm bảo có đầy đủ cơ sở dữ liệu của những người nộp thuế này," ông Sơn nhấn mạnh.
Vừa qua, cơ quan thuế đã tập trung rà soát tại Hà Nội và TP.HCM – hai địa phương phát triển mạnh về dịch vụ, giải trí, văn hóa, nghệ thuật. Đây cũng là nơi tập trung nhiều người nổi tiếng tham gia kinh doanh trên nền tảng số và thương mại điện tử (TMĐT).
Theo đó, tại TP.HCM, bước đầu xác định có 35 cá nhân là người nổi tiếng có hoạt động TMĐT và đã được đưa vào diện đôn đốc kê khai, nộp thuế. Tại Hà Nội, cơ quan thuế đã xác định tổng doanh thu từ hoạt động TMĐT của nhóm người nổi tiếng trong năm 2024 là 900 tỷ đồng, trong đó số thuế đã nộp đến nay đạt 13 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Sơn cũng cho biết cơ quan thuế đã lập danh sách các cá nhân nổi tiếng có doanh thu lớn từ hoạt động livestream và tiếp thị liên kết. Những cá nhân này sẽ được tiến hành thanh tra, kiểm tra và thu thuế theo đúng quy định. Đặc biệt, ngày 19/12/2024, ngành thuế chính thức triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.
Cổng hỗ trợ đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, tra cứu và tiếp nhận phản hồi từ người nộp thuế. Đối tượng hỗ trợ bao gồm hộ kinh doanh trên các sàn giao dịch như Shopee, Lazada, Tiki, hay cung cấp hàng hóa qua mạng xã hội như Facebook, Zalo. Điều này đồng nghĩa với việc người kinh doanh online không thể “viện lý do” trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.
Cơ quan thuế có đầy đủ thông tin của người nộp thuế
Nói về vấn đề này, ông Vũ Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, cho biết cơ quan thuế đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu với thông tin chi tiết về các tổ chức và cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Danh bạ và sổ quản lý thuế đã được thiết lập cho 82.930 tổ chức, cá nhân trên địa bàn Hà Nội, bao gồm các thông tin như tên, địa chỉ, căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ kho hàng, tài khoản ngân hàng và giá trị bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Từ cơ sở dữ liệu này, Cục Thuế TP Hà Nội đã phối hợp với công an địa phương xác minh và phát hiện hơn 2.000 người kinh doanh online có dấu hiệu vi phạm thuế. Đặc biệt trong năm 2024, cơ quan thuế đã chuyển 72 hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý thuế, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Để ngăn chặn hành vi trốn thuế của các cá nhân kinh doanh online, cơ quan thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, ngân hàng và các đơn vị liên quan nhằm theo dõi dòng tiền, xác minh địa điểm kinh doanh và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình trốn thuế. Mục tiêu của các biện pháp này là đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và duy trì nguồn thu ngân sách nhà nước.
Luật sư Nguyễn Đức Biên, Giám đốc Công ty Luật Đại La, nhận định rằng từ ngày 1/4/2025, theo Luật Quản lý thuế số 56, các hộ và cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử sẽ bị "khấu trừ tại nguồn". Chủ sàn thương mại điện tử sẽ có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ cho các cá nhân kinh doanh.
Nếu không thuộc diện được khấu trừ, các cá nhân kinh doanh phải trực tiếp đăng ký, khai và nộp thuế. Phương thức này tương tự cách thu thuế đối với cá nhân làm công ăn lương, giúp hạn chế khả năng lách thuế.
Đồng tình với ý kiến này, luật sư Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc Công ty Luật ĐNA, cho rằng phần lớn cá nhân kinh doanh online hiện nay còn thiếu kiến thức pháp luật về nghĩa vụ thuế. Vì vậy, cơ quan thuế cần tổ chức các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn kê khai và nộp thuế theo cách đơn giản, thuận tiện, giúp người kinh doanh hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của việc tuân thủ pháp luật.
Ông Thuật đề xuất công khai các vụ trốn thuế lớn nhằm tạo sức răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng. Đồng thời, khuyến nghị các sàn thương mại điện tử cần phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin, cũng như cá nhân kinh doanh online nên chủ động kê khai và nộp thuế đầy đủ để tránh các rủi ro pháp lý.