Lượng nhà đầu tư “lướt sóng” trong năm 2024 tăng gấp 6 lần 2023

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Datxanh Services, nếu như năm 2023 tỷ lệ người mua bất động sản để lướt sóng chỉ chiếm 1,5%, thì đến năm 2024 con số này đã tăng đáng kể với 9,1% , tăng gấp 6 lần.

Báo cáo thị trường bất động sản của Viện Nghiên cứu Datxanh Services cho thấy, xu hướng mua nhà đất với mục đích đầu tư đang tăng trở lại trong năm 2024. Đặc biệt, ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia vào hoạt động lướt sóng để tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng.

Nhà đầu tư “lướt sóng” trong năm 2024 tăng gấp 6 lần

Cụ thể, năm 2023 tỷ lệ người mua bất động sản để đầu tư chiếm 24%, trong khi lướt sóng chỉ chiếm 1,5%. Đến năm 2024, con số này đã tăng đáng kể khi ghi nhận hơn 33% giao dịch nhằm mục đích đầu tư (tích lũy, cho thuê), trong đó 9,1% là các nhà đầu tư lướt sóng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ.  Xu hướng đầu cơ và lướt sóng diễn ra mạnh nhất tại các thị trường phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội.

Tại đây, nhiều nhà đầu tư sang tay bất động sản chỉ trong vài tháng, thậm chí 1-2 tuần, với các loại hình phổ biến là căn hộ chung cư và đất nền. Tại TP HCM, hoạt động đầu cơ cũng có dấu hiệu gia tăng trong những tháng cuối năm, nhưng chỉ tập trung cục bộ ở một số dự án căn hộ nhất định và chưa chiếm tỷ trọng lớn.

Báo cáo từ chuyên trang Batdongsan cho biết hơn 86% nhà đầu tư mua bất động sản là để lướt sóng, với thời gian giữ tài sản chưa đến 1 năm. Trong đó, 15% chỉ giữ bất động sản dưới 3 tháng, 35% từ 3-6 tháng, 36% từ 6-12 tháng, và chỉ 14% giữ lâu hơn 1 năm. Tương tự, nghiên cứu từ One Housing cho thấy 81% người mua bất động sản tại Hà Nội và TP HCM có mục đích đầu tư hoặc đầu cơ, trong khi nhu cầu ở chỉ chiếm 19%.

dau-tu-luot-song-1736397034.jpg
Số lượng nhà đầu tư “lướt sóng” trong năm 2024 tăng gấp 6 lần so với năm 2023 

Bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Kinh doanh Datxanh Services, nhận định làn sóng đầu cơ tăng mạnh trở lại do thị trường phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, phát triển quá nóng trong năm 2024. Giá chung cư tại Hà Nội tăng trung bình 35-60%, trong khi tỷ lệ hấp thụ dự án vẫn cao, từ 75-80%.

Tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) cùng sức nóng từ các phiên đấu giá đất càng thúc đẩy hoạt động đầu cơ. Nhiều nhà đầu tư đã hưởng lợi lớn nhờ nắm bắt đúng thời điểm. Tại TP HCM, giá bất động sản tăng mạnh ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, kết hợp tình trạng "cháy hàng" tại một số dự án cao cấp, cũng góp phần đưa xu hướng lướt sóng quay trở lại.

Dự báo về năm 2025, bà Trịnh Thị Kim Liên cho rằng nhu cầu đầu cơ, đầu tư bất động sản vẫn sẽ là một phần tất yếu của thị trường và khó có thể triệt tiêu hoàn toàn. Khi thị trường phục hồi và tăng trưởng, làn sóng đầu cơ sẽ tăng theo. Nếu theo kịch bản tăng trưởng tích cực (nguồn cung tăng 40%, lãi suất dưới 12%) của năm nay, nhu cầu đầu cơ nhà đất có thể còn tăng mạnh hơn nhưng khó bùng nổ.

Giá nhà sẽ tiếp tục tăng đến 10%

Một số chuyên gia nhận định rằng bất động sản luôn là một kênh đầu tư hấp dẫn nhờ tính thanh khoản cao và khả năng sinh lời vượt trội so với các kênh khác như vàng, chứng khoán hay gửi ngân hàng. Điều này khiến nhu cầu lướt sóng và đầu cơ trong lĩnh vực này luôn ở mức cao và khó có thể triệt tiêu hoàn toàn. Đặc biệt, khi thị trường khởi sắc và trở nên sôi động hơn, hiện tượng này càng dễ xuất hiện.

Trong khi đó, năm 2025, thị trường bất động sản đang có nhiều yếu tố "hỗ trợ" hoạt động đầu cơ quay trở lại mạnh mẽ. Theo đó, tại sự kiện báo cáo thị trường bất động sản 2024 và triển vọng năm 2025, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Trưởng bộ phận tiếp thị nhà ở của CBRE Việt Nam, cho biết sự thiếu cân đối giữa phân khúc cao cấp và bình dân, cùng với bài toán khan hiếm nguồn cung chưa được giải quyết triệt để, sẽ tiếp tục đẩy giá bất động sản tăng thêm 8-10% trong năm nay.

dau-tu-luot-song-1736397034.jpg
Năm 2025, thị trường bất động sản đang có nhiều yếu tố thúc đẩy hoạt động đầu cơ quay trở lại mạnh mẽ

Trước đó, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng dự báo xu hướng tăng giá bất động sản tại các khu vực trung tâm Hà Nội và TP HCM sẽ kéo dài, với mức tăng dự kiến 7-10% trong năm 2025. Sự chênh lệch lớn giữa cung và cầu, đặc biệt ở phân khúc trung cấp và bình dân, vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Theo ông Kiệt, nguồn cung hạn chế và nhu cầu nhà ở cao khiến các dự án triển khai trong năm nay ít chịu sự cạnh tranh, duy trì được lợi thế độc quyền. Ông dẫn chứng rằng trong năm 2024, dù giá nhà đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m², tỷ lệ hấp thụ trung bình của các dự án vẫn trên 70%. Điều này đã thúc đẩy thị trường sơ cấp liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, với mỗi dự án sau có giá cao hơn dự án trước. Khi giá sơ cấp tăng, thị trường thứ cấp cũng sẽ điều chỉnh theo và hình thành mặt bằng giá cao hơn.

Về tác động của đà tăng giá bất động sản, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Đầu tư Nam Long Group, nhấn mạnh rằng giá nhà tăng quá nhanh sẽ tạo ra áp lực lớn cho tất cả các bên tham gia thị trường. Chi phí phát triển dự án cao khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tạo lập quỹ đất mới, trong khi người mua ngày càng khó tiếp cận nhà ở.

Bà Hương cho rằng giá bất động sản trong năm 2025 nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng, nhưng mức tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào nguồn cung, sự phân bổ giữa các phân khúc và chiến lược cân đối lợi nhuận của các chủ đầu tư.