Chuyên gia: Mức giảm trừ gia cảnh "neo" theo chỉ số CPI đã trở nên lạc hậu

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, điều quan trọng nhất là cần thay đổi cách tính mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Đồng thời đề xuất quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng 4 lần mức lương tối thiểu vùng, vì mức lương này được Chính phủ xác định hàng năm nên khá phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và có tính đến sự khác biệt giữa các vùng miền.

Có thể điều chỉnh vào tháng 10

Thuế thu nhập cá nhân bao gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm tỷ trọng lớn) và cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế quan trọng của ngân sách Nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (VAT).

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng và 4,4 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc mỗi tháng, mức này đã duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân có thể được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp và sau khi trừ các khoản này, số còn lại sẽ là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến này đã lỗi thời và không còn phù hợp với mức sống, chi tiêu ngày càng tăng của người dân.

giam-tru-gia-canh-1736421883.jpeg
Bộ Tài chính dự báo CPI sẽ có sự biến động trong năm 2025 và có thể phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Tại buổi họp báo thường kỳ vào ngày 7/1, ông Trương Bá Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Thuế, Phí và Lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh sẽ được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc sau lần điều chỉnh mức giảm trừ gần nhất.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI từ năm 2020 (thời điểm tăng mức giảm trừ gia cảnh) đến năm 2024 mới chỉ tăng hơn 15%, chưa vượt qua ngưỡng 20% theo quy định. Vì vậy, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại chưa thể điều chỉnh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính dự báo CPI sẽ có sự biến động trong năm 2025 và có thể phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sao cho phù hợp với thực tế, mà không cần phải chờ sửa đổi luật.

Ông Tuấn thông tin thêm, có thể tại kỳ họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có nội dung liên quan đến nghị quyết điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo biến động của CPI.

Bộ Tài chính nhận định, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần phải được nghiên cứu và tính toán cẩn thận, đảm bảo mức giảm trừ cao hơn mức GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng và chi tiêu bình quân trong một giai đoạn nhất định.

Thay đổi cách tính mức giảm trừ gia cảnh

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, quy định cộng dồn CPI đến mức 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh là không hợp lý. Ông lấy ví dụ mức tăng CPI 3% vào năm 2020 và năm 2024 không thể coi là như nhau, bởi quy mô nền kinh tế đã thay đổi đáng kể, không thể chỉ đơn giản cộng dồn lại.

Theo ông Thịnh, quan điểm cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã vượt 2,2 lần mức thu nhập bình quân đầu người/tháng và cao hơn so với mức phổ biến ở các quốc gia khác (dao động từ 0,5 - 1 lần) cũng không hợp lý. Bởi thu nhập bình quân đầu người tại các nước phát triển có thể lên đến 6.000 - 7.000 USD/tháng, trong khi chỉ cần mức giảm trừ gia cảnh bằng 1 lần đã cao hơn nhiều so với Việt Nam.

giam-tru-gia-canh-1-1736421884.jpg
Nhiều chuyên gia đề xuất cần thay đổi cách tính mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế

Ông Thịnh cho rằng, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện tại, được neo theo chỉ số CPI của Việt Nam, đã trở nên lạc hậu và cần phải được sửa đổi ngay mà không cần chờ sửa luật, nhằm đảm bảo đời sống của người nộp thuế không thấp hơn mức trung bình. Để làm được điều này thì cần thay đổi tư duy khi xây dựng chính sách thuế thu nhập cá nhân, theo nguyên tắc "thu trừ chi" giống như thuế thu nhập doanh nghiệp, để chính sách thuế trở nên hợp lý hơn.

Đồng tình với ý kiến này, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM) cho rằng, khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, điều quan trọng nhất là cần thay đổi cách tính mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.

Ông đề xuất quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng 4 lần mức lương tối thiểu vùng, vì mức lương này được Chính phủ xác định hàng năm dựa trên ý kiến của đại diện người lao động và người sử dụng lao động nên khá phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và có tính đến sự khác biệt giữa các vùng miền.

Theo luật sư Nghĩa, quy định này sẽ giúp chính sách thuế trở nên ổn định, đơn giản và dễ thực hiện. Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ không phải báo cáo hay đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội mỗi khi chỉ số CPI biến động như hiện nay.

Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất giảm số bậc thuế từ 7 xuống còn 5 và giảm thuế suất cao nhất từ 35% xuống còn 25%. Đồng thời thu nhập chịu thuế đối với thuế suất cao nhất nâng từ 80 triệu đồng trở lên theo quy định hiện nay lên trên 120 triệu đồng. Bởi các ngưỡng thu nhập áp dụng cho từng bậc thuế hiện tại quá thấp và không còn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.