Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ thực tế đời sống thay vì cứng nhắc theo lộ trình

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng không đủ để nuôi dưỡng một đứa trẻ ở thành phố. Chỉ riêng tiền ăn, tiền học đã cao hơn mức này, chưa kể các chi phí khác như quần áo, đi lại. Vì vậy, cần cần căn cứ vào các yếu tố như điều kiện sống của người nộp thuế, tình hình thực tế để điều chỉnh hợp lý.

Liên tiếp đề xuất điều chỉnh

Mới đây, các đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Hà Nội, Vĩnh Long, Trà Vinh kiến nghị Quốc hội khóa XV sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh. Lý do chung cho kiến nghị này là cử tri các tỉnh thành phản ánh giá cả và chi phí sinh hoạt hiện nay đều tăng cao, khiến quy định hiện tại yêu cầu cá nhân không có người phụ thuộc phải nộp thuế khi thu nhập từ lương, tiền công vượt 11 triệu đồng/tháng trở nên không hợp lý.

Vì vậy, các đoàn đại biểu đề nghị nghiên cứu và trình Quốc hội sửa đổi, nâng mức thu nhập chịu thuế TNCN tối thiểu lên 18 triệu đồng/tháng. Trước đó, vào cuối tháng 8, các đoàn đại biểu Quốc hội từ 6 tỉnh (Bình Định, Hà Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang và Tây Ninh) cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc, đồng thời điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần để phù hợp với thực tế, đặc biệt sau khi mức lương cơ sở được tăng từ ngày 1/7/2024.

giam-tru-gia-canh-1-1734951272.jpg
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với thực tế đời sống

Vào tháng 5, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã nêu vấn đề về mức giảm trừ gia cảnh trong phiên thảo luận tại nghị trường. Bà cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế cuộc sống, đặc biệt là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, quá lạc hậu và cần được sửa đổi sớm, không nên đợi đến năm 2026 mới thông qua như đề xuất.

Trong những năm qua, các đề xuất tương tự đã được đưa ra từ nhiều diễn đàn và nghị trường Quốc hội, phản ánh nhu cầu cấp thiết từ thực tế cuộc sống, sự bất cập của chính sách so với biến động xã hội, ảnh hưởng đến đời sống người dân và công bằng thuế đối với người lao động.

Bộ Tài chính đã nhận được những kiến nghị này và thừa nhận rằng mức GTGC hiện tại, là 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc, đã được áp dụng từ năm 2020 và cần phải được rà soát, đánh giá lại để sửa đổi phù hợp với tình hình mới.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm phải tuân theo lộ trình, với việc sửa đổi toàn diện Luật Thuế Thu nhập cá nhân vào cuối năm 2026 và chính sách mới có thể được áp dụng vào đầu năm 2027. Dù quy trình đã rõ, các kiến nghị vẫn được gửi đi vì giá cả, biến động đời sống không chờ đợi quy định và chính sách thuế cần phải có tính "khoan sức dân". Vậy nên, việc các mức giảm trừ gia cảnh hiện tại của thuế thu nhập cá nhân vẫn được giữ nguyên vì lý do như vậy liệu có còn hợp lý?

Nên dựa vào thực tế đời sống

Chị Trần Thị Minh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, hộp sữa tăng từ 7.000 lên 9.000 đồng, mì gói từ 4.000 đồng lên 4.500 đồng, gạo ăn thực tế ngoài chợ là 20.000 - 23.000 đồng/kg, ổ bánh mì từ 20.000 đồng lên 28.000 đồng… Tất cả đều tăng giá. Trong khi, Luật thuế sửa đổi dự định tháng 5/2026 mới thông qua thì khi nào mới áp dụng?

Còn anh Lê Trung Hiếu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, Luật Thuế Thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi toàn diện vào giữa năm 2026, có nghĩa phải chờ thêm 2-3 năm nữa người nộp thuế mới có thể hy vọng các chính sách lỗi thời, đang gây thiệt thòi, sẽ được điều chỉnh.

Trong khi tình trạng giá cả leo thang, các chi phí thiết yếu như học hành, đi lại, ăn uống... đều tăng so với 3 năm trước. Chỉ riêng chi phí học tập và sách vở cho một học sinh cấp 3 tại Hà Nội đã lên đến 5 - 6 triệu đồng/tháng, chưa kể các nhu cầu thiết yếu khác.

giam-tru-gia-canh-1734951272.png
Các chuyên gia đánh giá, mức giảm trừ gia cảnh thời điểm hiện tại đã lạc hậu

Anh Hiếu cho hay, thu nhập 25 triệu đồng/tháng của anh hiện không còn giá trị như trước. Năm 2020, với số tiền này, anh có thể chi trả sinh hoạt phí và tích lũy một khoản tiết kiệm. Nhưng 2 năm qua, do giá cả tăng vọt, số tiền này phải co kéo mới đủ trang trải cuộc sống. Thậm chí, nhiều tháng gia đình còn phải tiêu vào khoản tiết kiệm dự định để sửa nhà.

Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đang gây thiệt thòi và bất lợi cho người nộp thuế. Vì vậy, anh cho rằng trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật Thuế Thu nhập cá nhân, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh càng sớm càng tốt để giảm bớt gánh nặng thuế cho người lao động. Nếu phải chờ đến năm 2027 mới có điều chỉnh, người nộp thuế sẽ kiệt quệ trước khi có sự thay đổi.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú - chuyên gia cao cấp về thuế, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đánh giá, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã lạc hậu so với biến động kinh tế - xã hội, nhất là khi lương cơ sở vừa được tăng 30% từ ngày 1/7 và chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2020 đến nay đã tăng hơn 12%. Nếu chỉ căn cứ vào chỉ số CPI để cho rằng mức biến động chưa tới 20% và giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh là không hợp lý.

Ông Tú nhấn mạnh, từ năm 2018, nhiều nội dung của Luật Thuế Thu nhập cá nhân như biểu thuế lũy tiến và mức thuế suất, đã được Bộ Tài chính công nhận là lạc hậu. Nhưng đến nay, luật này vẫn chưa được sửa đổi, phải đợi đến tháng 10/2025 mới có thể trình Quốc hội xem xét. Nếu đến tháng 5/2026 mới thông qua và áp dụng từ năm 2027, điều này sẽ gây ra rất nhiều bất cập.

Để giảm thiểu thiệt thòi cho người nộp thuế, đặc biệt là những người làm công ăn lương, trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật Thuế Thu nhập cá nhân, ông Tú kiến nghị Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh. Mức điều chỉnh sẽ được tính toán phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo người nộp thuế có khả năng chi trả các chi phí tối thiểu như ăn ở, đi lại, học hành...

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng không đủ để nuôi dưỡng một đứa trẻ ở thành phố. Chỉ riêng tiền ăn, tiền học đã cao hơn mức này, chưa kể các chi phí khác như quần áo, đi lại. Vì vậy, việc giữ mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là không hợp lý.

Các chuyên gia thuế cho rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần căn cứ vào các yếu tố như điều kiện sống của người nộp thuế, tình hình thực tế, chứ không chỉ dựa vào mức tăng của CPI.