Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không phản ánh đúng thực tế chi phí nuôi con

Chị Loan chia sẻ, dù chỉ chi tiêu ở mức cơ bản, mỗi tháng chị vẫn phải tốn ít nhất 10 triệu đồng cho mỗi con. Trong khi, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc vẫn ở mức 4,4 triệu đồng/người/tháng suốt nhiều năm qua, không phản ánh đúng thực tế chi phí nuôi con.

Chi phí thiết yếu đều tăng

Chị Nguyễn Thị Loan (Gò Vấp, TP. HCM) có hai con nhỏ đang học lớp 4 và lớp 7. Trước khi con bước vào năm học mới, chị đã phải "chạy đôn chạy đáo" để lo tiền trang trải chi phí học tập. Chị Loan cho biết, chỉ mua sách vở, bút viết và đồng phục cho hai con đã tốn khoảng 5 triệu đồng.

Hai con chị học trường công nhưng hệ tích hợp nên đầu năm phải đóng tiền sách và học phí 3 tháng cho chương trình này là 12 triệu đồng/bé. Như vậy, tính sơ sơ đầu năm học của 2 bé đã tốn hơn 35 triệu đồng. Nhưng đó mới chỉ là tiền đóng đầu năm cho trường.

giam-tru-gia-canh-2-1726902686.jpg
Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không phản ánh đúng thực tế chi phí nuôi con

Chị còn phải chi trả cho các khóa học tiếng Anh, học thêm, học môn thể dục để con phát triển toàn diện, cũng như tiền ăn uống tại nhà. Dù chỉ chi tiêu ở mức cơ bản, mỗi tháng chị Loan vẫn phải tốn ít nhất 10 triệu đồng cho mỗi bé. Chị Loan chia sẻ, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc vẫn ở mức 4,4 triệu đồng/tháng suốt nhiều năm qua, không phản ánh đúng thực tế chi phí nuôi con.

Tương tự chị Đặng Thu Hường (quận Bình Thạnh, TP. HCM) cho biết, với chi phí sinh hoạt hiện nay, phụ huynh không biết làm sao xoay xở để nuôi con với mức giảm trừ mà cơ quan thuế áp dụng. Chỉ riêng tiền học đã vượt quá mức giảm trừ này, nói gì đến các chi phí khác.

Anh Trần Mạnh Hùng (cư dân quận 12, TP. HCM) cũng cho rằng, với những người làm công ăn lương tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng theo Luật Thuế thu nhập cá nhân thực sự quá thấp và như "muối bỏ biển". Anh Hùng bảo, mức giảm trừ này được áp dụng từ năm 2020 đến nay, nhưng giá cả sinh hoạt đã tăng mạnh, khiến những người làm công ăn lương ngày càng thiệt thòi.

Con trai chị Nguyễn Thị Hà (Quảng Ninh) vừa đỗ đại học năm nay. Chị Hà cho biết, chi phí cho một sinh viên học tại Hà Nội cũng đã vượt quá 10 triệu đồng/tháng, gồm tiền nhà trọ, điện nước, học phí, ăn uống và các chi phí khác. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay thực sự không đủ với những chi phí thiết yếu. Chị Hà mong Bộ Tài chính sớm điều chỉnh mức giảm trừ này để giảm bớt khó khăn cho những người lao động như chị.

giam-tru-gia-canh-1-1726902597.jpg
Phần lớn thu nhập của người lao động thường chi cho ăn ở, học hành, đi lại và khám chữa bệnh

Đang xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn 9796/BTC-CST ngày 16/9 trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Nội dung kiến nghị của cử tri các tỉnh, thành phố như sau: Đề nghị xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân, nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, mức sống hiện nay, và đồng bộ với chủ trương tăng lương của Nhà nước từ ngày 1/7.

Trong công văn trả lời, Bộ Tài chính vẫn khẳng định mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, cao hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người, đồng thời vượt trội hơn so với nhiều quốc gia khác (thường chỉ dao động từ 0,5 đến 1 lần). Thậm chí, mức này còn cao hơn thu nhập của nhóm 20% người có thu nhập cao nhất. Trong khi đó, mức giảm trừ cho người phụ thuộc gần như tương đương với thu nhập bình quân đầu người.

Với mức giảm trừ gia cảnh hiện tại, nếu một người có thu nhập 17 triệu đồng/tháng và có một người phụ thuộc, hoặc 22 triệu đồng/tháng với hai người phụ thuộc, sau khi trừ các khoản bảo hiểm, người đó sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng thuế thu nhập cá nhân được sử dụng để điều tiết thu nhập của cá nhân, và chính sách này đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện quá trình phân phối lại thu nhập. Cùng với các nguồn thu khác, thuế TNCN tạo nên quỹ ngân sách Nhà nước, đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát và đánh giá tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân gồm mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến từng phần. Dự kiến, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

Quy trình này dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2025, với việc trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026, nhằm đảm bảo chính sách thuế phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên cao cấp về thuế tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã trở nên lạc hậu và không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Bộ Tài chính giải thích chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ năm 2020 đến nay tăng chưa đến 20%, nên chưa thể đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Dù lập luận này không sai về mặt quy định, nó vẫn khiến người nộp thuế cảm thấy không được quan tâm đúng mức.

Bởi phần lớn thu nhập của người lao động thường tập trung vào các chi tiêu thiết yếu như ăn ở, học hành, đi lại và khám chữa bệnh. Trong khi đó, giá cả các dịch vụ như vé tàu xe, máy bay, học phí, và viện phí đã tăng đáng kể trong vòng 4 năm qua. Điều này cho thấy CPI không phản ánh chính xác mức tăng giá của các hàng hóa và dịch vụ mà người làm công ăn lương phải chi trả, dẫn đến mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không còn phù hợp với thực tế.

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sao cho hợp lý hơn. Trước mắt, Bộ Tài chính nên nhanh chóng trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nâng mức giảm trừ gia cảnh, giúp giảm bớt gánh nặng cho người lao động đang chịu thuế thu nhập cá nhân.