Bỏ thi tuyển vào lớp 6: Nhà trường bối rối, phụ huynh hoang mang

Anh Nguyễn Văn Mạnh cho biết đã đặt mục tiêu cho con thi vào Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) từ khi con mới học lớp 2. Gia đình đã cho con tham gia các lớp ôn luyện để chuẩn bị làm quen với cách làm bài thi. Sự thay đổi đột ngột này khiến anh cảm thấy hoang mang.

Trường học chờ hướng dẫn

Ngày 8/1, Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành Thông tư 30/2024/TT về quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó quy định tất cả các trường THCS sẽ phải xét tuyển học sinh vào lớp 6. Quy định sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 14/2 tới đây.

Thông tư 30 áp dụng đối với tất cả các trường từ công lập, ngoài công lập đến chất lượng cao. Điều này có nghĩa là các trường THCS nổi tiếng tại TP. HCM và Hà Nội như Trần Đại Nghĩa, Cầu Giấy, Ngoại ngữ, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm... sẽ không tổ chức kỳ thi đầu vào nữa, mà chuyển sang phương thức xét tuyển.

lop-6-1-1736397818.jpg
Thông tư mới của Bộ Giáo dục Đào tạo quy định các trường THCS phải xét tuyển học sinh vào lớp 6

Từ tháng 11/2024, nhiều trường tư thục đã thông báo kế hoạch tuyển sinh lớp 6 cho năm học 2025 - 2026. Trong đó, Trường THCS-THPT Newton đã tổ chức kỳ thi học bổng để tuyển sinh học sinh tài năng vào đầu tháng 12/2024. Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu dự kiến tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 6 vào tháng 1. Trường Ngôi sao Hà Nội cũng sẽ tổ chức kỳ thi học bổng để tuyển sinh vào cuối tháng 2 sắp tới.

Ở khối trường công lập, Trường THCS Ngoại ngữ đã thông báo kế hoạch tuyển sinh năm học 2025 - 2026 từ ngày 24/11/2024. Trường dự kiến tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực vào ngày 1/6, bao gồm 3 bài thi như mọi năm: Tiếng Anh, Toán và khoa học tự nhiên, tiếng Việt và khoa học xã hội. Tuy nhiên, do tác động của Thông tư 30, phương án tuyển sinh của trường có thể sẽ cần phải điều chỉnh.

Bà Nguyễn Huyền Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ cho biết, hiện trường đang xin ý kiến từ lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) về những quy định mới liên quan đến tuyển sinh.

Ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp cho hay, trường cũng đang chờ đợi hướng dẫn và chỉ đạo từ Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội. Nhà trường cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định từ Bộ và Sở trong công tác tuyển sinh. Nhà trường luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án tuyển sinh, đảm bảo tính minh bạch và công bằng.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Báo Dân trí, bà Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, điều này sẽ gây khó khăn trong công tác tuyển sinh và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.

Năm nay, chỉ tiêu của nhà trường khoảng 300 học sinh, trong khi số học sinh đăng ký dự thi lên tới khoảng 3.500, tương đương tỷ lệ "1 chọi 11". Nếu không tổ chức thi tuyển, những trường có lượng hồ sơ lớn sẽ phải xét tuyển dựa trên các tiêu chí phụ như chứng chỉ, điều này có thể tạo ra những bất cập và hệ lụy không mong muốn.

Phụ huynh ngỡ ngàng

Thông tin này đã khiến nhiều phụ huynh có dự định cho con thi vào các trường chất lượng cao cảm thấy bất ngờ vì thay đổi quá đột ngột. Chị Trần Thị Phương Thảo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con học lớp 5. Chị cho biết, để chuẩn bị thi vào một số trường tư thục và chất lượng cao, chị đã cho con ôn luyện từ đầu năm lớp 4.

Con chị học tiếng Anh 2 buổi/tuần, Toán 1 buổi/tuần, tiếng Việt 1 buổi/tuần. Chị còn đăng ký thêm cho con 2 lớp chuyên đề cùng các khóa học riêng về luyện viết văn và tiếng Anh. Sang lớp 5, chị tiếp tục cho con tham gia 2 lớp luyện đề Toán và tiếng Anh. Chị ước tính mỗi tháng đầu tư khoảng 4 triệu đồng cho việc học thêm.

lop-6-1736397818.jpg
Nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng khi bỏ thi tuyển vào lớp 6

Chị Thảo cho biết thêm, con học lớp 4, chị mới tăng cường lớp học thêm. Có những phụ huynh còn cho con ôn thi từ lớp 2, lớp 3, với mỗi môn học tới 2 thầy cô khác nhau. Học phí cho những năm này có thể lên tới cả trăm triệu đồng.

Chị Thảo bày tỏ lo lắng phương thức xét tuyển sẽ không công bằng, dễ dẫn đến các tiêu cực như "chạy chọt" hay "làm đẹp học bạ". Chị cho rằng, không có cơ sở nào để đánh giá đúng năng lực của học sinh ở các trường khác nhau chỉ dựa vào học bạ. Bởi các bài thi tại trường thường chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản và một học sinh dù có năng lực bình thường nhưng chăm chỉ cũng có thể đạt điểm cao. Trong khi đó, kỳ thi của các trường có thể phân loại học sinh tốt hơn, vì ngoài kiểm tra sự cẩn thận, nó còn thách thức tư duy và kiến thức của học sinh.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Hiền (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng có con đang học lớp 5, nhận định sự thay đổi này "giống như một vòng luẩn quẩn, quay lại thời điểm 10 năm trước, khi từng cấm thi tuyển vào lớp 6". Nếu áp dụng xét tuyển, sẽ có lợi cho những học sinh tham gia nhiều giải thưởng, cuộc thi, vì đây sẽ là điểm cộng trong hồ sơ. Nhưng hiện nay có quá nhiều cuộc thi "biến tướng, bát nháo và không thực chất".

Chị Hiền chia sẻ, thời gian qua, con chị đã dồn hết sức ôn thi vào cấp 2, nên đã bỏ hết các cuộc thi, giải thưởng vì không thể tập trung vào tất cả. Nếu xét tuyển, con chị sẽ không có thành tích gì để điền vào hồ sơ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Mạnh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã đặt mục tiêu cho con thi vào Trường THCS Cầu Giấy từ khi con mới học lớp 2. Gia đình đã cho con tham gia các lớp ôn luyện để chuẩn bị làm quen với cách làm bài thi. Sự thay đổi đột ngột này khiến anh cảm thấy hoang mang.

Nếu xét tuyển dựa vào học bạ thì cũng không công bằng, vì có trường chấm điểm dễ dàng, có trường lại chấm nghiêm ngặt. Hay trường hợp học sinh có điểm bằng nhau sẽ được xử lý như thế nào? Nếu xét tuyển dựa vào các tiêu chí khác như bằng khen, giấy khen về thành tích học tập hay các hoạt động văn hóa, thể thao thì thực chất chỉ là giảm một kỳ thi nhưng lại tạo ra nhiều kỳ thi khác để chạy đua thành tích.

Anh Mạnh cho rằng, việc đột ngột cấm thi khiến các phụ huynh "xoay như chong chóng". Theo anh, nếu đã có trường chất lượng cao thì cần có hình thức tuyển sinh phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu vào. Do đó, vẫn nên duy trì tổ chức thi tuyển như các năm trước để tránh những tiêu cực trong quá trình xét tuyển.