Cảnh giác trước cạm bẫy lừa đổi tiền mới dịp Tết

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, không giao dịch đổi tiền với các đối tượng không quen biết qua mạng xã hội để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo. Người dân chỉ nên sử dụng dịch vụ đổi tiền tại ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín và giấy phép hoạt động hợp pháp.

Nhu cầu đổi tiền mới tăng cao

Hiện nay, nhu cầu đổi tiền lẻ (tiền mới) để lì xì hoặc phục vụ các hoạt động tiêu dùng dịp Tết đang tăng mạnh. Điều này đã tạo điều kiện cho các dịch vụ đổi tiền online xuất hiện.

Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "đổi tiền lì xì Tết" hoặc "đổi tiền mới" trên Facebook, hàng trăm bài viết quảng cáo về dịch vụ này sẽ xuất hiện ngay lập tức. Các nhóm và hội đổi tiền lẻ, tiền mới cũng hoạt động sôi nổi với lượng thành viên tham gia đông đảo.

Nhiều tài khoản đưa ra lời mời hấp dẫn như “phí đổi thấp”, “cam kết tiền thật”, “tiền nguyên seri”, thậm chí còn sẵn sàng giao tiền tận nơi và cho kiểm tra trước khi nhận.

tien-moi-1-1736211585.png
Các bài đăng đổi tiền mới lan tràn trên mạng

Các thông tin về giá chênh lệch, mệnh giá tiền cần đổi, số lượng và địa điểm giao nhận thường được thỏa thuận qua tin nhắn riêng tư, tạo điều kiện thuận tiện cho giao dịch. Thậm chí, nhiều tài khoản còn nhận đổi tiền số lượng lớn, cung cấp dịch vụ đổ buôn tiền lẻ, tiền mới hoặc tuyển cộng tác viên đăng bài…

Tại Hà Nội, khảo sát một số cơ sở đổi tiền mới cho thấy phí đổi với mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng dao động khoảng 5 - 6%. Nếu đổi tiền mệnh giá lớn hơn hoặc số lượng nhiều hơn, mức phí sẽ thấp hơn.

Đáng chú ý, một số nhóm còn cung cấp “tiền lướt” (tiền đã qua sử dụng) với mức phí đổi chỉ từ 2 - 3%. Tuy nhiên, các dịch vụ đổi tiền mới trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ lừa đảo lớn.

Ngoài ra, trên các nền tảng mạng, "dân buôn tiền" còn rao bán các loại tiền lì xì độc đáo, tiền hiếm, ngoại tệ từ nhiều quốc gia. Những loại tiền này thường được nhập trực tiếp từ nước ngoài và có giá bán cao hơn nhiều lần so với mệnh giá gốc, tùy thuộc vào độ độc đáo của chúng.

Một đại lý kinh doanh tiền lưu niệm tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) rao bán loại tiền 2USD rắn mạ vàng có giá 120.000 đồng/tờ. Nếu người mua 11 - 20 tờ, giá giảm xuống 110.000 đồng/tờ. Mua 21 - 50 tờ, giá chỉ còn 100.000 đồng/tờ. Một số mặt hàng khác như tiền 100.000 tỷ Zimbabwe có giá 30.000 đồng/tờ, tiền 2USD mạ vàng cung hoàng đạo có giá 120.000 đồng/tờ, tiền 2USD thần tài mạ vàng có giá từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/tờ…

Để thu hút khách hàng nhiều hơn, người bán còn cho biết thêm, những đồng tiền này sẽ được đựng trong phong bao lì xì màu đỏ đẹp mắt và có thể được tặng kèm thêm 1 tờ tiền lưu niệm khác.

Cẩn thận lừa đảo

Nhu cầu đổi tiền mới dịp Tết tăng cao dẫn đến nhiều đối tượng đã lợi dụng để lừa đảo. Đã có nhiều trường hợp nạn nhân giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại thì không đủ số lượng như cam kết, thậm chí nhận phải tiền giả. Một số người sau khi chuyển khoản xong thì bị chủ tài khoản trên mạng xã hội chặn liên lạc và biến mất, chiếm đoạt luôn tiền cọc.

tien-moi-2-1736211585.jpg
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân cảnh giác, không giao dịch đổi tiền với đối tượng lạ qua mạng xã hội

Thực tế, cơ quan chức năng cũng từng xử lý nhiều vụ lừa đổi tiền mới rồi chiếm đoạt tài sản. Điển hình đầu năm 2024, TAND Hà Nội đã tuyên phạt Hoàng Như Phương (36 tuổi, ở quận Ba Đình) 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cáo buộc, Phương có bố mẹ làm ở Nhà máy in tiền Quốc gia nhưng đã nghỉ hưu từ năm 2012 và 2016. Do cần tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, bị cáo nói dối có bố mẹ, người nhà làm ở Nhà máy in tiền Quốc gia nên có thể đổi được các loại tiền mới, mệnh giá khác nhau mà không mất phí. Đến thời điểm bị phát hiện, Phương đã chiếm đoạt của 7 bị hại, tổng cộng hơn 13,7 tỉ đồng.

Trước đó, vào năm 2023, TAND Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Kiên (28 tuổi, quận Ba Đình) 15 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Kiên làm trong lĩnh vực ngân hàng, song anh ta có đam mê chơi sàn giao dịch Wefinex (dự đoán giao dịch tiền ảo - sự lên xuống của đồng Bitcoin) trên mạng internet nhưng bị thua lỗ.

Kiên nảy sinh ý định lừa đảo bằng cách đưa ra thông tin sai lệch rằng mình có thể đổi được tiền mới mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Kiên thông báo rằng những ai có nhu cầu đổi tiền chỉ cần chuyển tiền trước vào tài khoản cá nhân của Kiên, anh ta sẽ đổi giúp mà không mất phí. Từ tháng 12/2020 đến cuối tháng 1/2021, Kiên đã chiếm đoạt hơn 4,3 tỷ đồng từ 17 đồng nghiệp.

Những vụ việc trên, số tiền giao dịch lớn, các nạn nhân mới trình báo tới cơ quan chức năng. Nhưng với các giao dịch đổi tiền mới chỉ 1 - 2 triệu, nhiều nạn nhân thường chọn im lặng, xem như "xui xẻo", không trình báo với cơ quan chức năng vì lo sợ bị truy cứu trách nhiệm liên quan đến việc giao dịch tiền giả.

Trước tình hình này, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông) khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, không giao dịch đổi tiền với các đối tượng không quen biết qua mạng xã hội để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo. Người dân chỉ nên sử dụng dịch vụ đổi tiền tại ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín và giấy phép hoạt động hợp pháp.

Với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch, cần kiểm tra phản hồi từ khách hàng cũ, đánh giá uy tín hoặc chứng chỉ pháp lý của dịch vụ. Đồng thời, so sánh tỷ lệ phí đổi tiền với thị trường, không tin tưởng các dịch vụ có mức phí quá thấp hoặc cao bất thường. Cũng cần đặc biệt cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng.

Nếu phát hiện các hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hoặc các chiêu trò lừa đảo khác, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ ngăn chặn và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Trong khi đó, luật sư Đào Thị Bích Hường - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới để thu phí chênh lệch là vi phạm pháp luật. Người dân khi sử dụng các dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới có phí chênh lệch vô tình đã tiếp tay cho hành vi trái pháp luật này.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ có các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức Tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện việc đổi tiền cho các tổ chức, cá nhân. Mọi hoạt động đổi tiền do các cá nhân hoặc tổ chức khác thực hiện đều là bất hợp pháp.