Các trường hợp này nằm tại 18 phường, bao gồm: Khương Thượng, Phương Mai, Thịnh Quang, Cát Linh, Kim Liên, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Trung Tự, Trung Liệt, Trung Phụng, Văn Miếu, Văn Chương, Ngã Tư Sở, Nam Đồng, Thổ Quan, Quang Trung, Ô Chợ Dừa và Phương Liên.
Kkhông đủ điều kiện tồn tại
Nhà "siêu mỏng, siêu méo" là tình trạng không hiếm gặp ở các đô thị lớn như Hà Nội, đặc biệt là tại các tuyến đường giao thông mới mở. Nguyên nhân là do khi Nhà nước thu hồi đất, phần diện tích còn lại của thửa đất không bị thu hồi có diện tích quá nhỏ và hình dạng méo mó, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 61 có hiệu lực từ ngày 7/10/2024 quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố. Theo đó, các mảnh đất có diện tích dưới 15m², cùng với mặt tiền hoặc chiều sâu nhỏ hơn 3m so với chỉ giới xây dựng sẽ không được phép tồn tại. Thay vào đó, các mảnh đất này phải được hợp thửa hoặc hợp khối với các diện tích liền kề, hoặc sẽ được giao cho địa phương quản lý.
Việc quy định rõ ràng các tiêu chí về diện tích và hình dáng đất sẽ giúp các địa phương xác định và lập quy hoạch chi tiết khi thực hiện các dự án mở rộng hạ tầng giao thông, đồng thời chủ động trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ngay từ đầu.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, quyết định này sẽ ngừng sự hình thành các thửa đất không đủ điều kiện về diện tích và tiêu chuẩn xây dựng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các công trình nhà ở siêu mỏng, siêu méo sẽ không còn cơ hội phát sinh trong tương lai. Với quy định mới, công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị sẽ có bước tiến đáng kể.
Đồng tình, chuyên gia quy hoạch đô thị, TS.KTS Hoàng Hữu Phê nhận định, việc TP Hà Nội đưa ra quy định không cho phép những thửa đất không đủ điều kiện và diện tích xây dựng tồn tại dưới hình thức sở hữu cá nhân là một quyết định hợp lý. Các thửa đất này, khi được xây dựng, sẽ gây mất mỹ quan, làm cho bộ mặt đô thị trở nên lộn xộn và thiếu sự đồng bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan chung.
Cần bổ sung thêm nhiều giải pháp xử lý
Đưa ra góc nhìn khác, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là việc TP. Hà Nội phải giải quyết vấn đề này từ công tác lập quy hoạch. Hiện tại, khung pháp lý đối với loại hình công trình này đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, cần sự hợp tác từ người dân và sự quyết liệt từ chính quyền.
Bởi lẽ, vấn đề xử lý phần diện tích đất ở nhỏ hẹp còn lại của các hộ gia đình sau khi giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án tại Hà Nội đã được đề cập từ những năm 1990 nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết. Thực tế cho thấy, người dân chưa nhận thức đầy đủ về tác động của phần đất còn lại đối với thẩm mỹ và diện mạo đô thị, cũng như ảnh hưởng đến lợi ích chung. Chính vì vậy, họ thường thiếu hợp tác với chủ đầu tư và chính quyền địa phương, dẫn đến khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận trong các thỏa thuận hợp thửa hoặc bàn giao diện tích đất nhỏ, lẻ.
Trước đó, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã đề xuất giải pháp nhằm hạn chế tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo". Theo ông, thay vì chỉ thu hồi đất theo đúng chỉ giới đường đỏ, có thể thu hồi luôn những phần đất không đủ diện tích xây dựng để sử dụng vào các mục đích công cộng như vườn hoa hay bảng tin. Thậm chí, có thể xem xét việc thu hồi thêm 10 – 15m từ phía sau chỉ giới đường đỏ để xây dựng các ngôi nhà riêng lẻ có chiều cao phù hợp với quy hoạch, sau đó tiến hành bán đấu giá.
Xem xét từ góc độ pháp lý, luật sư Phạm Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định rằng quy định về việc hợp thửa đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại tại Điều 15 của Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND còn thiếu rõ ràng về mặt kỹ thuật, dẫn đến nhiều vướng mắc.
Theo Quyết định này, trường hợp người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp, UBND cấp huyện sẽ thông báo và hướng dẫn họ thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất để hợp thửa. Tuy nhiên, Điều 220 của Luật Đất đai 2024 lại quy định rằng việc hợp thửa phải bảo đảm nguyên tắc các thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có cùng mục đích sử dụng.
Do đó, dù phần đất còn lại sau thu hồi có diện tích nhỏ đến đâu, cũng phải được cấp "sổ đỏ" trước khi đủ điều kiện hợp thửa. Vấn đề đặt ra là nếu cấp "sổ đỏ" cho thửa đất không đủ điều kiện tồn tại, việc hợp thửa với thửa liền kề sẽ thực hiện như thế nào? Quy định hiện hành chưa thực sự rõ ràng và có thể gây khó khăn trong thực tế. Luật sư Phạm Thanh Tuấn cho rằng, trong trường hợp này, chính quyền địa phương nên thu hồi và quản lý phần đất còn lại để tránh bất cập.