Quy định mới về dạy thêm, học thêm liệu có giải quyết được tiêu cực?

Thông tư 29 mới ban hành đã đưa ra quy định cụ thể hơn về việc giáo viên không được dạy thêm ngoài trường với học sinh của mình. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những lo ngại về khả năng giáo viên "đổi chéo" học sinh để tiếp tục tổ chức dạy thêm.

Lách luật để dạy thêm

Bộ Giáo dục Đào tạo vừa ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Những điểm mới trong thông tư này thể hiện quyết tâm đưa hoạt động dạy thêm, học thêm trở lại với đúng nhu cầu thực tế của học sinh và phụ huynh.

Trong đó, hai điểm quan trọng là không tổ chức dạy thêm thu tiền trong trường học và giáo viên không được dạy thêm ngoài trường với học sinh của mình. Thực tế, quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài trường với học sinh của mình đã được quy định trong Thông tư 17 (ban hành năm 2012). Nhưng do thiếu sự chặt chẽ, quy định này đã bị giáo viên lợi dụng.

 

Cụ thể, Thông tư 17 cho phép giáo viên dạy học sinh đang học trên lớp nếu có sự đồng ý của hiệu trưởng, tạo ra lỗ hổng mà giáo viên có thể lợi dụng để xin phép Phòng Giáo dục đào tạo cấp giấy phép dạy thêm thông qua đề xuất của hiệu trưởng. Điều này thực chất đồng nghĩa với việc hiệu trưởng cho phép giáo viên dạy thêm học sinh của mình.

Đây chính là lý do khiến tình trạng dạy thêm ở các cấp THCS và THPT gia tăng trong thời gian qua. Thông tư 29 mới ban hành đã đưa ra quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn tồn tại lo ngại về khả năng giáo viên "đổi chéo" học sinh để tiếp tục tổ chức dạy thêm đúng quy định.

Để ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở của quy chế, tiến sĩ Phạm Hiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức (REK), Trường Đại học Thành Đô đề xuất nên tách biệt hoàn toàn việc dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh.

Theo đó, giáo viên chỉ có trách nhiệm giảng dạy, còn việc kiểm tra, đánh giá nên thuộc về một tổ chức khác như phòng giáo dục hoặc sở giáo dục. Điều này có nghĩa, giáo viên sẽ chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh qua việc giảng dạy mà không còn tạo ra những tình huống khó khăn, hỏi “xoáy” hay kiểm tra “xoay” liên quan đến những nội dung chỉ có ở lớp học thêm.

Giám sát giáo viên không dạy thêm vẫn là thách thức

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho hay, thực tế một bộ phận học sinh có nhu cầu và tự nguyện tham gia học thêm. Tuy nhiên, cũng có không ít học sinh dù không muốn học thêm vẫn phải tham gia các lớp do chính giáo viên hoặc trường tổ chức. Một số học sinh khác học thêm chỉ để không cảm thấy lạc lõng với bạn bè, không bị áy náy với thầy cô, hoặc đơn giản là để không cảm thấy lạ lẫm với bài kiểm tra.

Việc hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm hướng đến mục tiêu không còn tình trạng này trong nhà trường

Hiện nay, các trường phổ thông đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó Bộ Giáo dục Đào tạo đã quy định cụ thể số tiết giảng dạy cho mỗi môn học, với yêu cầu phù hợp với năng lực học sinh. Cùng với việc hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm, chương trình giáo dục này hướng đến mục tiêu không có dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Thay vào đó, sau giờ học các môn theo chương trình, học sinh sẽ có thời gian và không gian để tham gia hoạt động vui chơi, thể thao, vẽ, âm nhạc và các hoạt động bổ trợ khác. Ông Thành cho rằng, để đạt được mục tiêu không dạy thêm, học thêm ở cả trong và ngoài trường học thì cần giải quyết hai vấn đề quan trọng là quy định pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu - Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ, việc giám sát giáo viên không dạy thêm học sinh của mình ngoài nhà trường thực sự là một thách thức.

Thứ nhất, đội ngũ quản lý hoạt động dạy thêm học thêm còn hạn chế về số lượng và tổ chức chưa hiệu quả, khiến việc theo dõi và giám sát tất cả các trường hợp trở nên khó khăn.

Thứ hai, giáo viên cần phải có lòng tự hào và sự tôn trọng đối với nghề của mình. Khi tham gia vào việc dạy thêm, họ cần duy trì đạo đức nghề nghiệp, không lợi dụng cơ hội để trục lợi mà phải chú trọng vào việc đáp ứng nhu cầu học tập thực sự của học sinh. Phụ huynh và học sinh đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và phản ánh những trường hợp bất hợp lý.

Các lớp học thêm nên được tổ chức dựa trên nhu cầu thực tế của học sinh, với mục tiêu nâng cao kiến thức và phát triển bản thân, điều này là một xu hướng tích cực. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và minh bạch, giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy và hợp tác chặt chẽ với các đội ngũ quản lý.

Họ không chỉ coi dạy thêm là việc bổ trợ cho chương trình chính khóa mà cần phải tập trung vào việc mang lại giá trị mới, bao gồm phương pháp học sáng tạo, kiến thức chuyên sâu hoặc phát triển các kỹ năng cá nhân.

Theo dự thảo Luật Nhà giáo đang được trình Quốc hội xem xét, mức lương của giáo viên đã được xếp vào hạng cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận trong chính sách, mang lại niềm vui lớn cho đội ngũ giáo viên.

Việc tăng lương không chỉ giúp giáo viên an tâm gắn bó với nghề mà còn giảm bớt áp lực phải tìm kiếm thu nhập qua việc dạy thêm. Điều này cũng tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các quy định mới về quản lý dạy thêm, học thêm, qua đó bảo vệ sự trong sạch và giá trị thực sự của hoạt động giáo dục chính đáng.

Thông tư 29 đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và kỳ vọng cao từ dư luận. Tuy nhiên, để các quy định này thực sự có hiệu quả, cần phải triển khai các giải pháp giám sát, thanh tra và kiểm tra một cách bài bản, nghiêm túc và hiệu quả trong thời gian tới.