Vài lần click chuột là mua xong hàng Tết
Trong 4 tuần gần Tết, doanh thu của các sản phẩm mứt, kẹo, bánh, bia rượu đã tăng mạnh, lên tới 50 - 100% so với thời gian trước đó. Đây là thông tin được công ty nghiên cứu thị trường thương mại điện tử YouNet ECI công bố dựa trên dữ liệu thu thập từ các nền tảng Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 22/12/2024 đến 18/1/2025, doanh thu của 6 ngành hàng gồm mứt, hoa quả sấy khô, kẹo, bánh, rượu và nước có ga lần lượt tăng trưởng 108%, 96%, 78%, 56%, 47%, 46% so với 4 tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch từ 6 ngành hàng này đạt 390 tỉ đồng. Sản phẩm bán chạy nhất là bánh, với doanh thu hơn 32 tỉ đồng/tuần, tiếp theo là hoa quả sấy khô với hơn 29 tỉ đồng/tuần.
Còn theo báo cáo mới đây của Grab về xu hướng mua sắm Tết, 61% người tiêu dùng Việt được hỏi dự kiến chi tiêu nhiều hơn so với năm ngoái. Mức chi tiêu trung bình dự kiến là 7,4 triệu đồng. Đáng chú ý, 49% người dùng tham gia khảo sát cho biết họ kết hợp giữa mua sắm trực tiếp (offline) và trực tuyến (online). Điều này phản ánh thực tế, các dịch vụ trực tuyến đã đi sâu vào hành vi tiêu dùng, mua sắm của người Việt.
Trong giờ nghỉ trưa tại văn phòng, chị Nguyễn Minh Ngọc (TP. Thủ Đức, TP. HCM) tranh thủ cầm điện thoại lướt qua các trang mua sắm trực tuyến. Chỉ với vài cú chạm, chị đã hoàn tất việc mua sắm tất cả đồ cần thiết cho Tết Nguyên đán năm nay. Nhớ lại những mùa Tết trước, chị Ngọc chia sẻ, ngày trước cứ như chạy đua với thời gian, công việc cuối năm bận rộn, việc nhà thì xoay vòng, nhưng giờ Tết trở nên nhẹ nhàng hơn hẳn.
Không chỉ mua sắm một mình, chị Ngọc còn rủ đồng nghiệp ghép đơn để tận dụng ưu đãi tốt hơn. Chị bảo, đơn hàng càng lớn, giá giảm càng sâu lại miễn phí vận chuyển, tiết kiệm được cả triệu đồng.
Còn chị Lê Thu Giang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước đây, chị thường phải xếp hàng trong siêu thị để mua sắm Tết. Nhưng năm nay, chị đã chuyển sang đặt hàng trực tuyến hết, vừa tiết kiệm thời gian mà giá còn rẻ hơn nhiều so với mua tại siêu thị.
Chẳng hạn, một hộp mứt nho khô xanh (350gr) bán ở một số siêu thị có giá 78.000 đồng, mứt nho vàng (350gr) có giá 97.000 đồng. Trong khi, trên nhiều sàn thương mại điện tử hay facebook cá nhân, nho khô được rao bán với giá chỉ từ 50.000 - 60.000 đồng/hộp.
Cẩn trọng khi sắm hàng Tết
Trong thời đại công nghệ hiện nay, không thể phủ nhận sức hút của chợ mạng. Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại, người mua có thể dễ dàng so sánh giá cả, săn ưu đãi và nhận hàng tận nhà. Đặc biệt vào cuối năm, nhu cầu mua sắm cao nhưng người tiêu dùng lại có quá ít thời gian để sắm sửa thì chợ mạng trở thành “cứu cánh”.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi này cũng tiềm ẩn nguy cơ người tiêu dùng có thể mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc. Chị Trần Thị Hoa (quận Tân Bình, TP. HCM) chia sẻ, mua sắm online dịp Tết đôi khi mang lại những trải nghiệm không như mong đợi, đặc biệt về mỹ phẩm và thực phẩm.
Mới đây, chị đặt một chiếc váy được quảng cáo là hàng thiết kế cao cấp, nhưng khi nhận về thì chất vải quá mỏng, đường may lỏng lẻo, hoàn toàn khác so với hình ảnh trên mạng. Hay thỏi son được chị từ một shop online, khi sử dụng thấy khác hẳn thỏi mua ở cửa hàng chính hãng mà chị đang dùng. Kiểm tra kỹ hơn, chị mới phát hiện đó là hàng nhái.
Theo chị Hoa, cận Tết, việc đổi trả hàng càng trở nên khó khăn vì nhiều shop viện lý do quá tải hoặc không phản hồi tin nhắn. Dù có được hoàn trả, cũng rất khó để nhận hàng trước Tết. Chị bảo, mua đồ trang trí hỏng còn dễ xử lý, nhưng nếu là mỹ phẩm hay thực phẩm kém chất lượng mà không phát hiện sớm thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Để giảm thiểu tình trạng này, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công Thương cho biết đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử tăng cường rà soát và kiểm duyệt người bán, loại bỏ các gian hàng vi phạm và kiểm soát các sản phẩm đặc thù như thực phẩm, dược phẩm, rượu, bia…
Đặc biệt, Cục đã rà soát và yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử gỡ bỏ các sản phẩm pháo hoa, pháo nổ nhập lậu, kết quả là đã xóa 567 sản phẩm và ngừng hoạt động của 121 gian hàng vi phạm.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến cáo, khi mua thực phẩm online, người tiêu dùng cần chú ý chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn. Các thông tin cần kiểm tra bao gồm ngày sản xuất, thời gian sử dụng, hướng dẫn bảo quản, chế biến và thành phần chính của thực phẩm.
Đối với những thực phẩm đã được đóng gói sẵn, dù không có tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng vẫn cần lựa chọn sản phẩm có nhãn mác đầy đủ thông tin như: thành phần cấu tạo, định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, tên và địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, cũng như các cảnh báo an toàn (nếu có).