Samsung đang thực sự khủng hoảng

“Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng, đây có những lo ngại nghiêm trọng về tương lai của Samsung”, chủ tịch tập đoàn công nghệ lớn nhất Hàn Quốc Lee Jae Yong thừa nhận trong phiên điều trần của một phiên tòa cáo buộc thao túng giá cổ phiếu, cho thấy một phần thực trạng rối ren mà họ đang phải đối diện gần đây.

Samsung đang bước vào một thời kỳ khó khăn khi mà hàng loạt thách thức đang buộc phải đối diện: doanh thu sa sút trên hầu hết các mặt trận, từ kinh doanh di động tới bán dẫn. Chủ tịch tập đoàn Lee Jae Yong đã nhiều lần phải tức giận với đội ngũ cán bộ lãnh đạo của mình, phải xin lỗi các nhà đầu tư và mới đây là phải thừa nhận tình trạng mà công ty đang gặp phải.

Ông nói trong phiên điều trần trước tòa án Hàn Quốc hôm 25/11: “Tôi nhận thức rõ về những lo ngại xung quanh tương lai của Samsung. Theo đó, một số người đang lo ngại công ty phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng cơ bản và lo sợ nó có thể khác với những thách thức mà chúng ta đã phải đối mặt trước đây. Một số người khác lại đưa ra lời động viên Samsung sẽ vượt qua. Nghe được cả những lo lắng và cả những lời ủng hộ, tôi nhắc nhớ một lần nữa về những kỳ vọng to lớn mà mọi người dành cho Samsung.

Thực tế mà chúng tôi đang phải đối mặt còn thách thức hơn bao giờ hết, nhưng chúng tôi sẽ vượt qua tình hình khó khăn hiện tại và tiến lên phía trước”, ông Lee phát biểu vào thứ hai trong phiên tòa hình sự mới nhất của mình.

“Tôi sẽ làm mọi thứ để Samsung tiếp tục giành được tình yêu và sự tin tưởng của công chúng. Tôi chân thành mong muốn có cơ hội để tập trung hoàn toàn vào việc hoàn thành trách nhiệm của mình”, chủ tịch tập đoàn công nghệ này nói.

Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong xuất hiện tại phiên điều trần thứ hai về vụ sáp nhập bị cáo buộc là không công bằng của Samsung tại Tòa án trung tâm quận Seoul ở Seocho-gu, Seoul, vào chiều ngày 25/11.

Samsung Electronics gần đây đã sa thải 10% nhân viên tại Hàn Quốc sau báo cáo tài chính gây sốc năm 2023 chứng kiến cả lợi nhuận và doanh thu đều giảm. Công ty thừa nhận, doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình hình kinh doanh ảm đạm vào năm 2025 và cần có Chủ tịch Lee Jae-yong để điều hành doanh nghiệp.

Chủ tịch Samsung và nhiều lãnh đạo cấp cao của công ty đã vướng vòng lao lý trong suốt nhiều năm trước đó, khiến cho họ phải trì hoãn nhiều quyết định đầu tư và cải tổ quan trọng. Từ năm 2016, ông Lee (khi đó được gọi là “Thái tử Samsung”), đã liên tục phải tham dự các phiên tòa với nhiều tội danh bị cáo buộc như hối lộ, trốn thuế, liên quan đến bê bối tham nhũng từ thời cựu Tổng thống Park Geun Hye. Ông cũng bị buộc tội gian lận định giá công ty và làm sai lệch hồ sơ kế toán đối với vụ sáp nhập của hai chi nhánh Samsung là Samsung C&T và Cheil Inudustries. Vào tháng 2 năm nay, tòa án cấp dưới đã xóa bỏ 19 cáo buộc đối với ông Lee mà công tố viên đề xuất, tuy nhiên đến phiên tòa tái thẩm vừa diễn ra hôm 25/11, công tố viên vụ án đã tiếp tục kháng cáo và yêu cầu phạt ông 5 năm tù cùng với phạt bổ sung 500 triệu won.

Sau những diễn biến kể trên, Samsung đã bắt đầu vào việc “thay máu” nhân sự, chuẩn bị cho những cải tổ quyết liệt sau đó. Ngày 27/11, Tập đoàn này đã công bố ban lãnh đạo mới với trọng tâm là bộ phận kinh doanh chất bán dẫn. Ông Yun Young Hyun, Phó Chủ tịch kiêm người đứng đầu bộ phận giải pháp thiết bị được bổ nhiệm làm CEO và cũng sẽ trực tiếp lãnh đạo bộ phận bộ nhớ và Viện Công nghệ tiên tiến của Samsung.

Tiếp đến, ông Han Jin Man, cựu Phó chủ tịch điều hành và Chủ tịch Giải pháp Thiết bị khu vực Mỹ cũng được thăng chức Chủ tịch và sẽ đứng đầu bộ phận xưởng đúc, vốn đang gánh khoản lỗ hàng nghìn tỷ won. Ông Han có trách nhiệm nâng cao khả năng cạnh tranh của xưởng đúc thông qua mạng lưới khách hàng toàn cầu và chuyên môn công nghệ của mình.

Samsung đang dần mất đi vị thế trên thị trường sản xuất chip nhớ.

Một thay đổi quan trọng khác là xưởng đúc của Samsung có thêm vị trí mới là Giám đốc công nghệ Nam Seok Woo. Ông Woo là cựu Chủ tịch và người đứng đầu FAB Engineering & Operations.

Cựu Phó chủ tịch điều hành của một lực lượng chuyên hỗ trợ kinh doanh Kim Yong Kwan cũng được thăng chức lên Chủ tịch chiến lược quản lý tại bộ phận giải pháp thiết bị.

Nhiều quan chức khác cũng được bổ nhiệm, thuyên chuyển vào các vị trí mới.

Việc cải tổ nhằm mục đích đưa ra những thay đổi mới, quyết liệt hơn đối với Tập đoàn và các thương hiệu bao gồm đổi mới thương hiệu và trải nghiệm người dùng, thúc đẩy tăng trưởng trung và dài hạn của công ty.