Thêm nỗi vất vả cho các shipper khi phải “chống chọi” với nạn giả mạo

Anh Tùng - một shipper tại quận Bình Tân (TP. HCM) chia sẻ, từ khi xuất hiện những "shipper dỏm", những người làm việc chân chính như anh phải gánh chịu không ít lời đồn thổi và nghi ngờ. Trước đây, hình thức lừa đảo chủ yếu là giao hàng trống hoặc yêu cầu chuyển khoản không có thật. Nhưng 2 năm gần đây, những chiêu thức lừa đảo đã tinh vi và phức tạp hơn.

Nghề "làm dâu trăm họ"

Hơn mười năm trước, khi nhắc đến từ "ship hàng", nhiều người còn lạ lẫm và không hiểu rõ. Nhưng ngày nay, đó lại là một thuật ngữ quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã thay đổi nhanh chóng đời sống con người.

Hiện nay, nhu cầu được phục vụ của mọi người ngày càng cao và chỉ cần thực hiện một cuộc gọi điện thoại hay tin nhắn trên mạng xã hội, đơn hàng của khách sẽ được tiếp nhận và xử lý ngay lập tức. Hàng hóa, đồ dùng, thực phẩm có thể đến tận nơi chỉ sau một thời gian ngắn.

Hiện nay giao hàng trở thành một công việc phổ biến, thu hút nhiều người tham gia

Công việc của shipper có ưu điểm là linh hoạt về thời gian và thu nhập khá ổn nếu bạn chịu khó, kiên trì, không ngại nắng mưa. Vì vậy, nghề shipper trở thành một công việc phổ biến, thu hút nhiều người tham gia. Không chỉ là công việc cho giới trẻ muốn kiếm thêm thu nhập ngoài phụ cấp gia đình, mà còn có nhiều nhân viên văn phòng hay người cao tuổi cũng tranh thủ làm. Tuy nhiên, công việc này cũng không thiếu khó khăn và gian truân.

Gắn bó với công việc giao hàng đã 4 năm, anh Hoàng Hiếu (36 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, làm shipper không hề đơn giản và dễ dàng như nhiều người nghĩ. Shipper luôn bận rộn, không có thời gian nghỉ ngơi và phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí có khi còn phức tạp hơn các nghề khác. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, những shipper như anh chấp nhận đánh đổi.

Anh Hiếu cho hay, trước đây anh nhận giao hàng tự do, mỗi ngày trung bình giao từ 20 - 25 đơn ở nhiều khu vực khác nhau trong thành phố. Không ít lần anh gặp trường hợp gọi 2 - 3 cuộc vẫn không thể giao hàng được vì khách không có nhà hoặc yêu cầu hoãn lại, khiến anh phải quay lại nhiều lần, vừa mất công lại tốn thêm tiền xăng xe.

Trường hợp gặp những khách hàng khó tính, anh bị hủy đơn vì đến trễ hơn giờ hẹn do tắc đường hoặc mưa gió. Thậm chí, có những khách hàng để địa chỉ quá khó tìm, anh phải đi lòng vòng cả tiếng đồng hồ mới đến nơi. Một số người còn dùng địa chỉ của người thân để nhận hàng, nên khi đến nơi, gọi điện không được, bấm chuông cửa không ai nghe khiến anh phải ngậm ngùi quay về.

Anh Hiếu chia sẻ, làm nghề giao hàng giống như làm dâu trăm họ, phải làm sao cho bên bán vừa lòng, bên mua cũng hài lòng. Những lúc chạy hàng chục cây số dưới cái nóng oi ả giữa trưa hay đi dưới cơn mưa tầm tã, anh mới thực sự cảm nhận được nỗi vất vả của nghề shipper.

Anh Hiếu cho biết thêm, giờ anh làm cho công ty chuyên giao hàng nên những trường hợp như trên ít gặp hơn. Anh đảm nhận 1 khu vực cố định, thời gian làm việc vẫn nhiều như trước nhưng quãng đường di chuyển ít hơn.

Bất lực trước shipper giả

Hiện nay, tình trạng giả làm shipper lừa đảo gia tăng, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến những người làm nghề chân chính. Anh Tùng - một shipper tại quận Bình Tân (TP. HCM) chia sẻ, từ khi xuất hiện những "shipper dỏm", những shipper thật như anh phải gánh chịu không ít lời đồn thổi và nghi ngờ.

Shipper giả gia tăng gây ảnh hưởng lớn cho những người làm công việc giao hàng chân chính

Anh Tùng cho biết, trước đây hình thức lừa đảo chủ yếu là giao hàng trống hoặc yêu cầu chuyển khoản không có thật. Nhưng 2 năm gần đây, những chiêu thức này ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp hơn.

Khó khăn lớn nhất mà anh Tùng và các shipper chân chính phải đối mặt là bị nghi ngờ và gán cho tội danh lừa đảo. Nhiều người cho rằng, chính họ là những người thực hiện các hành vi lừa đảo hoặc bán thông tin khách hàng. Anh Tùng bộc bạch, anh luôn tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, bảo mật thông tin khách hàng và tuân thủ quy định của công ty. Các đồng nghiệp của anh cũng chia sẻ cùng quan điểm đó.

Khách hàng thường xuyên bị các "shipper dỏm" làm phiền nên khi shipper thật đến, họ lại bị nghi ngờ là lừa đảo và không nghe máy. Có khách còn báo cáo số điện thoại của anh lên tổng đài là lừa đảo, quấy rối.

Nam - một shipper ở (huyện Bình Chánh, TP. HCM) cho hay, anh đã làm nghề giao hàng được ba năm. Anh cũng từng phải chịu nhiều ấm ức vì những hành vi của các shipper dỏm.

Nam kể, không ít lần anh đến giao hàng cho khách, nếu không có nhà, anh sẽ gọi điện và theo yêu cầu của khách, tự mang hàng vào nhà. Nhưng có lần khi anh đến giao hàng, người chồng của khách hàng đã đuổi anh đi. Nam bối rối, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nên gọi lại cho số điện thoại của người nhận.

Sau đó anh mới biết vài ngày trước, khi người khách vắng nhà, một shipper dỏm đã gọi điện nói đang giao hàng tại nhà và yêu cầu chuyển khoản. Anh Nam nói: "Chắc vì bận quá, bà ấy bị hối thúc chuyển tiền liền. Tôi giao hàng cho bà ấy lâu rồi, trước giờ đều thanh toán trước, không hiểu sao lần này lại thế".

Anh Đăng - shipper ở huyện Bình Chánh bảo, việc bị đuổi đi đã là may mắn, vì có lần anh còn bị đuổi đánh. Lần đó, sau khi gọi điện báo giao hàng, anh được bảo "chờ một chút". Nhưng vài phút sau, hai người đàn ông từ trong nhà bước ra, mắng mỏ và cáo buộc Đăng là "kẻ lừa đảo, vào nhà để trộm cắp".

Họ vây đánh khiến anh Đăng phải bỏ xe lại, chạy lấy người. Sau đó, người nhà đã gọi điện xin lỗi và giải thích họ mới bị lừa khi giao hàng, mở túi ra thì chỉ toàn đá sỏi.

Cả anh Đăng và anh Nam đều chấp nhận lời xin lỗi và bỏ qua sự việc. Nhưng điều khiến họ cảm thấy bức xúc hơn cả là sự bất lực, không biết làm gì trước nạn "shipper dỏm".