Nguy cơ trở thành nạn nhân lừa đảo khi tham gia bán hàng online theo hình thức dropshipping

Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT vừa có khuyến cáo tới người dân về hình thức bán lẻ online mà không cần nhập sản phẩm về kho (dropshipping). Trước đó, Cục cũng ghi nhận một trường hợp nạn nhân bị lừa tới 12 tỷ đồng khi tham gia mô hình này.

Sự phát triển của thương mại điện tử đã đem đến nhiều cơ hội lợi nhuận cho những người bán hàng online, tuy nhiên bên cạnh đó cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu người tham gia không nâng cao tinh thần cảnh giác, không có kiến thức về an toàn thông tin cũng như kinh nghiệm về bán hàng online.

Khuyến cáo mới đây của Cục An toàn thông tin liên quan tới hình thức bán hàng online trung gian dropshipping. Về cơ bản, đây là hình thức bán hàng mà không cần kho bãi, không cần quan tâm việc vận chuyển hàng hóa. Người tham gia bán hàng chỉ cần quảng bá cho sản phẩm, khi có người chốt hàng sẽ chuyển thông tin tới nhà sản xuất/đơn vị cung cấp rồi nhận tiền hoa hồng. 

Theo Cục An toàn thông tin, dù mang lại lợi ích cho người bán hàng trung gian, tuy nhiên khi tham gia mô hình bán hàng online này đang có những biến tướng, khiến nhiều người trở thành nạn nhân của của các vụ lừa đảo với số tiền bị mất rất lớn.

dropshipping-1711901947.jpg

Dropshipping là hình thức bán hàng online mà người bán chỉ là trung gian giữa nhà sản xuất/nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng, thu lợi nhuận trực tiếp trên mỗi đơn hàng mà không cần đầu tư kho bãi, lưu vận.

Một vụ việc điển hình được quan tâm gần đây là vụ của chị H (Hà Nội) với tổng thiệt hại lên tới 12 tỷ đồng. Nghe lời giới thiệu từ một người bán hàng online về việc đã lãi tới 80 triệu đồng sau khi bán thành công 2 chiếc đồng hồ qua ứng dụng Supply Helper, chị H đã quyết định tham gia, lên trang web được hướng dẫn và tải app về máy.

Theo quy định của ứng dụng, khi có khách đặt hàng, chị này sẽ gửi lệnh thanh toán bằng USD trên ứng dụng và quy đổi thành tiền Việt Nam để chuyển khoản cho tài khoản được yêu cầu. Khi bên nhận báo đã thấy tiền về, chị sẽ nhận lại tiền gốc và tiền lãi.

Thực hiện đơn hàng đầu tiên, với số tiền nạp vào là 511,28 USD (12,6 triệu đồng), chị này nhận được số tiền lãi khoảng 1,5 triệu đồng cùng với số tiền gốc. Tiếp sau đó, người này liên tiếp đặt 46 đơn hàng. Trong thời gian này, một số đơn hàng cũng được rút thành công, số còn lại bị "lỗi mạng". Đến khi số tiền nạp mua là hơn 12 tỷ đồng, người phụ nữ này đã bị chặn liên lạc và không thể rút được tiền. Lúc này chị mới biết đã bị lừa và đến cơ quan công an trình báo. Đây là vụ việc lừa đảo qua hình thức bán hàng online dropshipping với thiệt hại lớn nhất được ghi nhận cho đến nay.

uwnsg-dungj-luwaf-ddaro-1711901824.jpg

Ứng dụng lừa đảo Supply Helper.

Một hình thức lừa đảo khác cũng được Cục An toàn thông tin khuyến cáo tới người dùng là lừa tiền đặt cọc, hoặc lừa giúp xây dựng hệ thống. Các đối tượng lừa đảo thông qua mạng xã hội sẽ tìm cách tiếp cận, giới thiệu hình thức bán online không cần nhập hàng, không mất vốn đầu tư tới các “con mồi”.

Để củng cố niềm tin với các nạn nhân, chúng đã tạo ra những ứng dụng, gian hàng ảo được thiết kế chuyên nghiệp, lấy ảnh, bài viết từ các bên thứ 3 để đăng tải nội dung, thường về một sản phẩm do một nhãn hàng độc lập sản xuất. Nhiều đối tượng còn lợi dụng hình ảnh, thông tin, bài viết có nội dung liên quan sản phẩm từ phía các cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức uy tín để đưa vào website, tạo uy tín cho gian hàng ảo, từ đó dễ dàng dẫn dụ các nạn nhân tham gia. 

Các đối tượng đưa ra các hứa hẹn, chỉ cần người tham gia đặt cọc trước từ 5-10 triệu đồng sẽ được hỗ trợ xây dựng hệ thống bán hàng online trên Facebook, Tiktokshop… Duy trì vận hành của các cửa hàng ảo này, người tham gia sẽ nhận được hoa hồng lên tới hàng chục phần trăm. 

Cục An toàn thông tin khuyến nghị tới người dân, khi tham gia mô hình dropshipping cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng, cần đặc biệt thận trọng trước các cơ hội lợn nhuận lớn nhờ vào các ứng dụng kinh doanh trực tuyến.

dropshipping-1711902261.jpg

Người tham gia các mạng lưới, ứng dụng bán hàng online cần cẩn trọng trước những hứa hẹn lợi nhuận cao bất thường.

Trước đó, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã có cảnh báo về tình trạng các đối tượng sử dụng hình ảnh, logo của Cục và các đối tác để dẫn dụ người dân, kêu gọi tham gia mô hình bán hàng online lừa đảo.

Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) đã nhiều lần khuyến cáo người bán hàng online phải thận trọng, xác minh kỹ thông tin trước khi tham gia mô hình kinh doanh trung gian, cần đặc biệt tính táo trước những lời hứa lợi nhuận lớn. Trong trường hợp phát hiện lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý thích hợp.