Cúng cá chép tiễn ông Táo về trời là truyền thống bao đời nay của người Việt. Hôm nay ngày 23 tháng Chạp, sau khi cúng tại nhà, rất đông người dân đã đi thả cá.
Tại Hà Nội, cầu Long Biên vẫn là địa chỉ được nhiều người lựa chọn thả cá. Nhiều năm nay, cứ đến 23 tháng Chạp, ở cầu Long Biên lại có một nhóm các bạn trẻ hỗ trợ người dân thả cá, rải tro, thu gom túi ni lông để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.
Năm nay, nhóm các bạn trẻ hỗ trợ người dân thả cá tại cầu Long Biên từ ngày 22 tháng Chạp. Đặc biệt, thời tiết sương mù như sáng 23 tháng Chạp, tại Hà Nội, các bạn tình nguyện viên vận động người dân đưa cá cho mình thả giúp, không mang trực tiếp xuống dưới chân cầu.
Cúng ông Công ông Táo năm nay, tại nhiều địa điểm thả cá ở Hà Nội, lực lượng chức năng cũng tham gia hỗ trợ đảm bảo an ninh an toàn.
Hồ Tây cũng là địa điểm phóng sinh cá chép được đông đảo người dân lựa chọn. Tuy nhiên, ghi nhận tại hồ Tây, một lượng cá chép sau khi được phóng sinh đã bị mắc vào lưới. Một người dân phản ánh, từ hôm qua, nhiều chiếc lưới đã được giăng sẵn khi các lực lượng chức năng không có mặt tại khu vực.
Không chỉ người Việt, nhiều người nước ngoài cũng tham gia thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời.
Chị Nguyễn Ngọc Phương Khuyên và chống là anh Shpakau Aliaksanrn (quốc tịch Belarus) đã đi thả cá ở hồ Giảng Võ. Anh Shpakau Aliaksanrn chia sẻ, đây là lần đầu anh được thả cá thế này. Anh cảm thấy văn hóa này rất ấm áp.
Năm nay, nhiều người cho rằng thả cá chép sống có thể làm ảnh hưởng xấu tới môi trường nên đã quyết định chuyển sang dùng cá chép giấy. Còn chị Đặng Thùy (39 tuổi, ở Nam Từ Liêm) lại chọn làm cá chép bằng thạch rau câu. Chị Thùy chia sẻ, những thay đổi này do chị không muốn sát sinh. Chị chán cảnh vừa thả cá xuống hồ đã có người tới kích điện hoặc giăng lưới. Còn với cá giấy, chị nghĩ đốt vàng mã vừa lãng phí vừa ô nhiễm môi trường.
Không chỉ thạch rau câu, cũng có nhiều gia đình chọn làm cá chép tiễn Táo Quân bằng xôi.