TP. HCM: Đề xuất thêm 7 tuyến đường sắt đi các tỉnh

Là cổng kết nối quan trọng nhưng hiện nay giao thông giữa TP. HCM với các tỉnh lân cận là Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Cần Thơ mới chỉ dựa vào một số tuyến đường cao tốc. Để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, TTP. HCM đang xem xét đầu tư 7 tuyến đường sắt kết nối với các tỉnh.

TP. HCM cần 7 tuyến đường sắt kết nối với các tỉnh lân cận (ảnh minh họa)

TP. HCM là đầu mối giao thương hàng hoá, kết nối các thị trường góp phần giảm chi phí logistics không chỉ của khu vực phía Nam mà còn của cả nước so với tổng sản phẩm quốc nội chiếm 10 - 15%.

Là cổng kết nối quan trọng nhưng hiện nay giao thông giữa TP. HCM với các tỉnh lân cận là Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Cần Thơ mới chỉ dựa vào một số tuyến đường cao tốc. Các cao tốc đang hoạt động như TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận kết nối các tỉnh miền Tây và TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối các tỉnh phía Đông.

Các dự án đường cao tốc như Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành vẫn đang triển khai, còn cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, TP. HCM - Chơn Thành thì nhanh nhất cũng phải năm 2025 mới khởi công.

Trong khi nhu cầu vận tải hàng hóa và con người giữa các tỉnh, thành này ngày càng tăng cao, thì những tuyến đường cao tốc này là không đủ đáp ứng. Dù các tuyến đường cao tốc, đường bộ mở đến 6 - 8 làn thì cũng chỉ “trụ” được thời gian ngắn là nhanh chóng quá tải. Do vậy, việc phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại, kết nối các cảng biển quan trọng của TP. HCM và khu vực phía Nam là vô cùng cần thiết.

Theo báo cáo giữa kỳ Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. HCM, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) lấy ý kiến, ngoài nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM hiện hữu, cần bổ sung quy hoạch 7 tuyến khác.

Kết nối với tỉnh Đồng Nai, TP. HCM cần 3 tuyến: Trảng Bom - Ga Sài Gòn - Ga Tân Kiên dài hơn 102km, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành dài 49,3km và tuyến đường sắt tốc độ cao Thủ Thiêm - sân bay Long Thành dài là 48,5km.

Với các tỉnh còn lại thì cần 1 tuyến: Đường sắt từ TP. HCM tới cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) dài 61,2km. Đường sắt kết nối TP. HCM và Lộc Ninh (Bình Phước) dài 52,3km. Kết nối đường sắt giữa TP. HCM tới Cần Thơ dài 174km. Cuối cùng là tuyến đường sắt đôi chuyên dụng chỉ vận chuyển hàng hóa từ cảng Hiệp Phước (TP. HCM) đến cảng Long An dài 54,3km.

Đường sắt được chọn để giải quyết nhu cầu vận tải giữa TP. HCM và các tỉnh

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM cho biết, trong 7 tuyến đường sắt trên thì cần ưu tiên đầu tư trước tuyến từ Thủ Thiêm tới Long Thành. Nguyên nhân là do sân bay Tân Sơn Nhất giao thông đã quá tải, mà Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến khai thác giai đoạn 1 năm 2026, sẽ giúp giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, hiện từ sân bay Long Thành về TP. HCM giao thông chưa thuận tiện.

Do đó, cần ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành với nhiệm vụ chủ yếu vận tải hành khách. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án rơi vào khoảng 40.500 tỉ đồng. Ông Lâm cũng cho hay, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu tuyến đường sắt này, sau đó kêu gọi đầu tư.

Về tuyến đường sắt cần ưu tiên làm trước, ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP. HCM - cho rằng, đó là tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ. Tuyến đường sắt tốc độ cao này dự kiến khai thác tàu khách tốc độ tối đa 190km/h và tàu hàng 120km/h, tổng đầu tư khoảng 9 tỉ USD.

Nguyên nhân lựa chọn tuyến này được ông Hà Ngọc Trường đưa ra: Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống vận tải đường thủy rộng khắp vùng nhưng tốc độ di chuyển không cao. Tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ sẽ giúp giảm tải cho đường bộ, nhất là trong việc vận chuyển hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Ngoài ra, tuyến đường sắt này còn có thể giúp TP. HCM bớt quá tải về dân số. Bởi người dân từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ gần TP. HCM như Tiền Giang, Long An… có thể lên TP. HCM làm việc vào buổi sáng, đến buổi chiều trở về nhà bằng tàu cao tốc.