TP.HCM: Lùi kế hoạch vận hành tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Cập nhật mới nhất liên quan đến tiến độ của tuyến Metro số 1 cho thấy, tháng 10 -11/2024 tuyến Metro số 1 mới có thể khai thác thử, đến tháng 12 mới bàn giao. Do đó, sẽ không kịp đưa vào vận hành thương mại từ quý III như kế hoạch.

Ông Yamada Takio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam vừa có công hàm gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phản hồi một số nội dung liên quan đến tiến độ, vướng mắc của tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

Nhiều lần lỡ hẹn

Cập nhật tiến độ dự án, ông Yamada Takio cho biết, đến hết tháng 7, công tác thử nghiệm của toàn dự án mới hoàn thành, thực hiện công tác đào tạo vào tháng 8-9, tháng 10-11 sẽ tiến hành công tác vận hành khai thác thử và đầu tháng 12 sẽ bàn giao cho Việt Nam để phục vụ công tác nghiệm thu, thẩm định, cấp chứng nhận an toàn theo quy định của pháp luật.

Do vậy, tuyến Metro số 1 sẽ không kịp khai thác thử vào tháng 7 và đưa vào vận hành thương mại từ quý III như kế hoạch trước đó của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR). Sau khi phía Nhật Bản bàn giao, MAUR sẽ phải tiếp tục hoàn tất công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống cho các nhà ga. Điều này đồng nghĩa với việc, sớm nhất phải đến cuối năm nay, tuyến Metro số 1 mới được vận hành.

Với tình trạng tiếp tục lỡ hẹn như hiện nay, sớm nhất phải đến cuối năm nay, tuyến Metro số 1 mới được vận hành

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km từ Bến Thành, quận 1 đến Depot Long Bình, TP Thủ Đức do MAUR làm chủ đầu tư. Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, khởi công năm 2012, hiện đã hoàn thành khoảng 98% khối lượng.

Đây không phải lần đầu tiên dự án bị lỡ lịch vận hành. Theo kế hoạch ban đầu, tuyến Metro số 1 sẽ hoàn thành vào năm 2017 và đưa vào vận hành vào năm 2018. Tuy nhiên, đến năm 2019, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 47.325 tỉ đồng xuống 43.757 tỉ đồng nên đã lùi ngày hoàn thành và đưa vào khai thác đến quý IV/2021.

Đến tháng 9/2021, MAUR xin trễ hẹn hoàn thành đến cuối năm 2023, đầu năm 2024. Tiếp đó, tháng 4/2022, TP.HCM kiến nghị lùi thời gian hoàn thành đến cuối quý IV/2023; tháng 10/2023, MAUR xin gia hạn thời gian thi công sang năm 2024, đặt mục tiêu khai thác thương mại từ tháng 7/2024. Tháng 3/2024, MAUR tiếp tục có công văn gửi UBND thành phố về việc lùi kế hoạch vận hành chính thức đến quý IV/2024.

Sau tuyến số 1, dự án Metro số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương cũng đang được TP. HCM giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để khởi công các gói thầu chính vào năm sau. Đây cũng là dự án gặp nhiều vướng mắc, được lùi thời gian hoàn thành đến năm 2030, thay vì 2026 như kế hoạch.

Vấn đề ở phía nhà thầu và tư vấn

Trước đó, MAUR đã có lý giải về nguyên nhân sự chậm trễ của tuyến Metro số 1 là do có sự điều chỉnh trong thiết kế, công tác giải phóng mặt bằng chậm, nhà thầu khiếu nại, yêu cầu chủ đầu tư gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và bổ sung chi phí phát sinh, đặc biệt là tranh cãi giữa nhà thầu và đơn vị tư vấn…

“Metro số 1 là một trong các dự án Metro đầu tiên ở Việt Nam, nên hầu như chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai dự án. Do đó, việc các nhà thầu (Hitachi, SCC) và tư vấn (NJPT) Nhật Bản liên tục lạm dụng các điểm vênh, chưa hoàn thiện trong hợp đồng để làm ảnh hưởng tiến độ dự án Metro số 1”, MAUR cho biết.

Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, đã hoàn thành khoảng 98% khối lượng

Một nguyên nhân khác là do công nghệ áp dụng trong lĩnh vực đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên hoàn toàn mới ở Việt Nam, phần lớn các tiêu chuẩn và đang áp dụng cho dự án (khoảng 3.000 tiêu chuẩn) đều tham khảo của nước ngoài. Vì vậy, việc xác định tiêu chuẩn tương đương hoặc đánh giá sự phù hợp các tiêu chuẩn áp dụng thường mất rất nhiều thời gian.

Ngoài ra, công tác nghiệm thu, thử nghiệm, đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, theo đánh giá của thành phố là cũng sẽ gặp khó khăn bởi Việt Nam thiếu các tiêu chuẩn tương đương, có nhiều thay đổi về quy định pháp lý và các hướng dẫn từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trước những vấn đề này, trong công điện gửi UBND thành phố, ông Yamada Takio cũng nhắc đến những vướng mắc tồn tại nhiều năm nay liên quan đến tranh cãi điều khoản hợp đồng, thời gian thực hiện dự án kéo dài, Đại sứ đề nghị thành phố sớm thành lập Ban xử lý hòa giải tranh chấp (DAB), cũng như đề nghị hỗ trợ bổ sung một số khoản chi phí phát sinh cho các nhà thầu.

Cũng theo ông Yamada Takio, sau khi làm việc với UBND TP.HCM và Bộ Ngoại giao, đích thân ông đã gặp và trao đổi với lãnh đạo Hitachi, lãnh đạo các nhà thầu, tư vấn của Nhật Bản trong dự án xây dựng tuyến Metro số 1, các bên cũng đều có chung nhận thức về việc phải đẩy nhanh tiến độ, tìm cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cùng với đó đảm bảo chất lượng cũng như an toàn cao nhất cho dự án.