Ứng dụng công nghệ trong quản lý và đào tạo lái xe "giúp học thật - thi thật"

Học thật - thi thật

Giấy phép lái xe quốc tế (International Driving Permit - IDP) do Việt Nam cấp đã được công nhận tại 85 quốc gia tham gia Công ước Vienna 1968 về Giao thông đường bộ. Điều này càng khiến cho vấn đề đào tạo lái xe ô tô phải nghiêm túc và minh bạch.

Hiện nay, ứng dụng khoa học kỹ thuật và thiết bị giám sát vào quy trình đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX) ô tô đang tạo nên một bước ngoặt lớn về học thật - thi thật. Những thay đổi này giúp cả giáo viên và học viên nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc học lái xe ngay từ những giờ đầu tiên cầm vô lăng.

Sử dụng thiết bị giám sát hành trình và phần mềm mô phỏng giúp người học được thực hành nhiều hơn

Mới lấy bằng lái xe ô tô tháng 8 vừa qua, nhưng chị Trương Thị Minh Anh (36 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã kịp có chuyến tự lái ô tô đưa bạn bè đi du lịch nhiều tỉnh Tây Bắc. Chị Minh Anh chia sẻ, quá trình học của chị sử dụng thiết bị giám sát hành trình (DAT) và phần mềm mô phỏng. Nhờ vậy, chị có nhiều cơ hội thực hành hơn. Chị đã thực hành hơn 800km trên nhiều loại địa hình nên ngay khi có bằng đã chở bạn bè đi chơi.

Chị Minh Anh bảo, đào tạo nghiêm túc nên khi lái xe thực tế, chị không còn lo sợ hay run tay, ngay cả trên những cung đường đèo dốc như Tây Bắc. Chị nhận thấy, nếu chỉ thực hành ít như các phương pháp học trước đây, chắc chắn chị sẽ không đủ tự tin để cầm lái, đặc biệt trên các cung đường dài và khó.

Không chỉ học viên, mà cả giáo viên cũng phải thích nghi với sự thay đổi này. Anh Vũ Thanh Tùng - giáo viên tại trường Trung cấp Nghề GTVT Bắc Giang nhận định, ý thức và kỹ năng của học viên trong quá trình học lái xe đã được cải thiện rõ rệt. Nhờ thiết bị giám sát, học viên không thể qua loa trong quá trình học. Đồng thời, giáo viên cũng phải có trách nhiệm hơn khi hướng dẫn, không thể làm việc hời hợt hay “tặc lưỡi” bỏ qua những lỗi nhỏ.

Anh Tống Văn Thuận - giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Đông Đô chia sẻ, nhiều nơi đào tạo không đủ tiêu chuẩn, dẫn đến tình trạng “học chui, học tắt” hoặc chạy không đủ số km yêu cầu. Việc áp dụng các thiết bị giám sát sẽ buộc học viên nghiêm túc rèn luyện ngay từ đầu, đồng thời yêu cầu người dạy có trách nhiệm hơn trong công tác đào tạo.

Anh Thuận nhấn mạnh, người thầy dạy lái chính là người đặt nền móng cho học viên về kỹ năng, kiến thức và ý thức tham gia giao thông. Nếu người thầy không chuẩn mực, làm sao có thể kỳ vọng học viên lái xe an toàn và văn minh.

Học viên cũng cần chủ động học hỏi, rèn luyện ngoài giờ học chính thức. Những kiến thức về luật giao thông, kỹ năng lái xe và văn hóa giao thông cần được bổ sung thường xuyên. Chỉ khi đó, họ mới có thể trở thành những tài xế không chỉ giỏi về kỹ năng mà còn có trách nhiệm với cộng đồng.

Cabin mô phỏng trong quá trình đào tạo lái xe

Minh bạch hóa quá trình đào tạo

Năm 2022 được coi là cột mốc “cách mạng” trong lĩnh vực dạy và học lái xe với sự ra đời của Thông tư 04/2022/TT-BGTVT. Một trong những quy định đáng chú ý là từ ngày 15/6/2022, học viên phải hoàn thành quãng đường thực hành thực tế lớn hơn, đồng thời sử dụng thiết bị giám sát hành trình để ghi lại quá trình đào tạo.

Từ ngày 1/1/2023, chất lượng đào tạo tiếp tục được nâng cao khi các trung tâm bắt buộc trang bị cabin mô phỏng. Các buổi thực hành trên cabin mô phỏng bắt đầu từ những bài tập cơ bản như cách vận hành xe và bài sa hình thi sát hạch. Sau đó, học viên sẽ được thực hành các bài nâng cao trên địa hình phức tạp như đường đồi núi, cao tốc, hay trong thành phố, giúp rèn luyện kỹ năng điều khiển xe linh hoạt và an toàn.

Việc áp dụng công nghệ và thiết bị giám sát không chỉ làm minh bạch hóa quá trình đào tạo mà còn giảm thiểu sự phụ thuộc vào các đánh giá cảm tính của con người, đảm bảo tính khách quan trong dạy và học lái xe.

Ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và đào tạo lái xe là một giải pháp thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp ngành này tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Việc áp dụng công nghệ không nhằm làm khó học viên mà để siết chặt hơn công tác đào tạo, đảm bảo học viên được trang bị đầy đủ kỹ năng điều khiển và xử lý tình huống nguy hiểm, từ đó góp phần đảm bảo trật tự và an toàn giao thông.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, các biện pháp trên giúp học viên tiếp cận thêm nhiều nội dung đào tạo mới, nâng cao kỹ năng lái xe thực tế và đảm bảo chương trình học theo đúng quy định. Để đạt kết quả cao, học viên cần tham gia đầy đủ các nội dung đào tạo, giám sát chặt chẽ tiến độ học tập và thực hiện đúng hợp đồng ký kết với cơ sở đào tạo để đảm bảo quyền lợi của mình.

Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, việc siết chặt quản lý và nâng cao tiêu chuẩn đào tạo lái xe là rất cần thiết để hạn chế tình trạng học qua loa, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, công nghệ không chỉ hỗ trợ mà còn giúp nâng cao kỹ năng xử lý tình huống của học viên, từ đó giảm thiểu tai nạn giao thông. Nhờ các thiết bị hiện đại, chất lượng đào tạo được cải thiện rõ rệt. Học viên sau khi được cấp bằng trở nên tự tin hơn khi cầm lái.

Việc ứng dụng công nghệ vào đào tạo cũng góp phần hạn chế tiêu cực trong kỳ sát hạch. Nhờ hệ thống chấm điểm tự động, tỷ lệ học viên vượt qua kỳ sát hạch giảm từ 80-85% (trước đây) xuống còn 65-70% tùy trung tâm, phản ánh sát trình độ thực tế của học viên. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe mà còn hướng tới mục tiêu lâu dài: xây dựng môi trường giao thông an toàn, minh bạch và hiện đại.