Người rối loạn nhận biết màu đỏ, vàng, xanh lá cây có thể không được lái xe

Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Phương chia sẻ, Bộ Y tế đề xuất không cho phép những người bị rối loạn nhận biết ba màu cơ bản lái xe là hoàn toàn hợp lý. Bởi khi lái xe, những người này không thể phân biệt được tín hiệu đèn giao thông (đỏ, vàng, xanh) ở các ngã tư, ngã ba, từ đó tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông.

Trong dự thảo thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe với người lái xe, điều khiển xe máy chuyên dùng; khám sức khỏe định kỳ đối với người lái ô tô, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất những người sẽ không được phép lái xe máy hay ô tô.

Cụ thể, trong Phụ lục số 01 "Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng" của dự thảo quy định cụ thể đối với nhóm 1 (dành cho người lái xe hạng A1, B1), những người đang mắc các vấn đề về tâm thần như rối loạn tâm thần cấp hoặc mạn tính không kiểm soát được hành vi, sẽ không đủ điều kiện lái xe. Những người bị liệt vận động từ hai chi trở lên cũng sẽ không được phép lái xe hạng A1 và B1.

mu-mau-1-1731692665.jpg
Đề xuất người gặp rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản đỏ, vàng, xanh lá cây sẽ không được lái xe

Ngoài ra, những người bị cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) hoặc sử dụng các chất ma túy, sử dụng chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định, cũng không được lái xe.

Đối với mắt, người có thị lực hai mắt dưới 4/10 (cả khi có kính điều chỉnh) hoặc nếu chỉ còn một mắt mà thị lực dưới 4/10 (cả khi có kính điều chỉnh) sẽ không được phép lái xe. Đặc biệt, những người gặp rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản đỏ, vàng, xanh lá cây sẽ không đủ điều kiện để lái xe các hạng B, A, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huỳnh Phương - công tác tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, những người gặp phải tình trạng rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản trên thực chất đang mắc phải một dạng khiếm khuyết về thị giác màu sắc (sắc giác). Điều này không làm ảnh hưởng đến nhìn rõ vật, nhưng khả năng nhận biết màu sắc bị hạn chế có thể gây ra khó khăn trong cuộc sống hàng ngày và ảnh hưởng đến các hoạt động thường xuyên.

Bác sĩ Phương chia sẻ, Bộ Y tế đề xuất không cho phép những người bị rối loạn nhận biết ba màu cơ bản này lái xe là hoàn toàn hợp lý. Bởi khi lái xe, những người này không thể phân biệt được tín hiệu đèn giao thông (đỏ, vàng, xanh) ở các ngã tư, ngã ba. Việc này không chỉ gây nguy hiểm cho họ mà cả những người khác khi tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông.

mu-mau-1731692665.jpg
Người bị rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản đỏ, vàng, xanh lá cây không thể phân biệt được tín hiệu đèn giao thông

D.K.L. - sinh viên Trường Đại học Mở TP. HCM cho biết, do di truyền, cậu không phân biệt được 3 màu cơ bản. Do đó, bình thường cậu không dám tự lái xe mà phải nhờ người thân chở. Mỗi lần phải tự lái xe, cậu luôn cảm thấy đau đầu và không thể nhận diện màu sắc đèn tín hiệu đèn giao thông. Những lúc như vậy, cậu thường đoán màu sắc theo vị trí đèn sáng.

L. bày tỏ, không cần luật cấm, cậu tự nhận thức được bản thân không nên lái xe vì sẽ rất nguy hiểm và dễ vi phạm luật giao thông.

Tương tự, anh H.T.V (28 tuổi, quận Gò Vấp, TP. HCM) đã sống chung với tình trạng rối loạn nhận biết màu sắc suốt nhiều năm qua, vì vậy anh không lái xe máy. Anh cho hay, mỗi khi nhìn vào những màu sắc như đỏ, vàng, xanh lá cây, anh còn cảm thấy đau mắt. Do đó, dự thảo thông tư của Bộ Y tế là hoàn toàn hợp lý. Những người mắc bệnh như anh không nên lái xe vì có thể gây mất an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Các chuyên gia y tế cho biết, hiện không có phương pháp điều trị dứt điểm cho rối loạn nhận biết màu sắc (mù màu) bẩm sinh. Tuy nhiên, với mù màu do thuốc hoặc biến chứng từ các bệnh khác thì có thể áp dụng nhiều biện pháp chữa trị. Trong đó, các nhà khoa học đã phát triển kính lọc giúp người bị mù màu phân biệt màu sắc tốt hơn, dù không thể hoàn toàn khắc phục vấn đề.

Một số loại kính áp tròng đặc biệt cũng có khả năng hỗ trợ bệnh nhân phân biệt màu sắc. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm này cần được tư vấn kỹ lưỡng từ bác sĩ chuyên khoa mắt để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Ngoài các công cụ hỗ trợ, người mắc mù màu có thể khắc phục bằng cách ghi nhớ thứ tự màu của đèn giao thông hoặc nhờ người thân sắp xếp, đánh dấu quần áo có màu tương đồng để dễ dàng nhận diện.

Theo dự thảo thông tư, người lái xe có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật của bản thân. Họ cũng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cung cấp thông tin không chính xác trong quá trình khám sức khỏe. Thông tư dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nếu được thông qua.