Đưa an toàn giao thông vào giảng dạy tại trường là “chìa khóa” giảm thiểu tai nạn

Khi tai nạn giao thông ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại đối với học sinh, việc nâng cao ý thức và hiểu biết về luật giao thông từ học đường được coi là giải pháp cần thiết. Từ đây, học sinh không chỉ học cách tuân thủ luật lệ mà còn hình thành văn hóa giao thông an toàn.

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Thời gian qua, tình hình trật tự và an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật giao thông trong học sinh.

Số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, trong năm 2023, tai nạn giao thông đã khiến hơn 1.000 trẻ em thiệt mạng. Còn 9 tháng đầu năm nay, con số này đã lên tới 783 trẻ em tử vong và 2.018 em bị thương do tai nạn giao thông.

hoc-sinh-vi-pham-giao-thong-1728734418.jpg
Tình trạng học sinh vi phạm giao thông vẫn diễn ra phổ biến

Theo Bộ Công an, hiện tượng học sinh sử dụng xe máy điện, xe máy, xe mô tô mà không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, hay sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều học sinh còn điều khiển xe khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép, gây ra nhiều nguy cơ tai nạn.

Số liệu thống kê cho thấy, lỗi vi phạm của học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy chiếm 47,59%, tai nạn giao thông liên quan đến điều khiển xe trên 50cc chiếm 71,31%. Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông quy định, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện, sẽ bị phạt cảnh cáo. Với người từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh trên 50cc, mức phạt tiền là từ 400.000 - 600.000 đồng.

Ghi nhận tại nhiều trường học ở Hà Nội và các địa phương khác, tình trạng học sinh THCS và THPT đi xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chở 2 - 3 người, sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe vẫn còn phổ biến. Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội) cho biết, theo quy chế phối hợp với ngành giáo dục, các trường hợp vi phạm sẽ được thông báo về trường để nhà trường phối hợp giáo dục.

Hiện nay, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai Chương trình phối hợp về tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 - 2025. Chương trình nhằm tăng cường phối hợp giữa các cấp từ trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh, từ đó hạn chế và giảm thiểu vi phạm pháp luật về an toàn giao thông trong giới trẻ.

Nâng cao ý thức từ giáo dục học đường

Tại hội thảo về an toàn giao thông cho trẻ em trên ô tô diễn ra ở TP. HCM, đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền và Phổ biến Pháp luật về Trật tự An toàn Giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) cũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh giáo dục an toàn giao thông trong các trường học để giảm thiểu rủi ro. Đặc biệt, những học sinh cấp 2 và cấp 3 vi phạm khi lái xe máy sẽ bị xử phạt nghiêm khắc và phụ huynh giao xe cho con khi chưa đủ tuổi cũng bị xử lý.

Trong tháng 10 này, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước cũng đang ra quân xử lý các hành vi vi phạm giao thông của học sinh như điều khiển xe không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, chạy dàn hàng ngang, đi ngược chiều, bấm còi hoặc rú ga quá mức.

hoc-sinh-vi-pham-giao-thong-1-1728734418.jpg
Giáo dục kiến thức giao thông trong trường học được coi là "chìa khóa" giảm thiểu tai nạn

Liên quan đến vấn đề nâng cao ý thức giao thông, chị Võ Thị Mỹ Thương (TP. Thủ Đức, TP. HCM) đang có con học lớp 11, cho rằng việc giảng dạy Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong nhà trường là vô cùng cần thiết. Hiện nay, học sinh thường chỉ học luật giao thông khi chuẩn bị thi bằng lái ở tuổi 18. Tuy nhiên, từ 16 tuổi, các em đã có thể điều khiển xe dưới 50 phân khối mà chưa có kiến thức đầy đủ về luật. Đây là một khoảng trống lớn dẫn đến nhiều vi phạm.

Theo chị Thương, nhà trường có thể linh hoạt tổ chức dưới dạng chuyên đề hoặc lồng ghép vào các môn học hiện có, kết hợp với các hoạt động thực tế để học sinh hiểu rõ các quy định giao thông và áp dụng trong cuộc sống.

Còn anh Huỳnh Ngọc Thơ - cũng có con đang học cấp III nhấn mạnh, phụ huynh cần nâng cao ý thức của mình trong việc không tùy tiện giao xe cho con khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có kỹ năng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho trẻ mà còn góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn hơn cho toàn xã hội.

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP. HCM) đồng ý với quan điểm này và nhấn mạnh sự quan trọng của việc tuyên truyền văn hóa giao thông. Ông cho rằng, số vụ tai nạn giao thông do học sinh, sinh viên gây ra mỗi năm không phải là con số nhỏ, vì vậy việc giảng dạy các quy định về giao thông và văn hóa khi tham gia giao thông cần được thực hiện thường xuyên và đa dạng.

Nhà trường tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền như pa-nô, khẩu hiệu, thi hùng biện, sân khấu hóa, và sử dụng tài liệu sách báo để nâng cao nhận thức của học sinh. Nhà trường cũng có thể phối hợp với địa phương tổ chức thi lý thuyết để cấp bằng lái xe hai bánh cho học sinh. Qua đó, các em có cơ hội nắm bắt kiến thức về biển báo và cách điều khiển xe đúng quy định, giúp nâng cao ý thức an toàn giao thông.