Nhiều gia đình loay hoay khi phí bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ bản

Chị Nguyễn Thị Mai (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, khi lương cơ sở tăng, tiền đóng bảo hiểm y tế cũng tăng theo. Trước đây chỉ phải đóng 860.000 - 970.000 đồng, giờ đã tăng lên 1,264 triệu đồng. Gia đình chị mua bảo hiểm y tế cho hai con, nhưng cả năm không sử dụng lần nào.

Áp lực khi mức đóng bảo hiểm tăng

Mới đây, cử tri nhiều tỉnh thành đã gửi kiến nghị lên Bộ Y tế về việc xem xét giảm hoặc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho học sinh, sinh viên. Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ ngày 1/7, mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng khiến mức đóng BHYT tăng, ảnh hưởng nặng nề đến người dân, đặc biệt là những người làm nông, lao động tự do không có thu nhập ổn định. Trước đây, mức đóng BHYT là 972.000 đồng/người/năm, nay đã tăng lên 1.263.600 đồng/người/năm.

Cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc tăng phí liên tục trong một năm gây nhiều khó khăn cho người tham gia BHYT và kiến nghị Chính phủ có chính sách phân loại mức phí hoặc hỗ trợ cụ thể cho người nông dân và lao động tự do để họ có thể tiếp tục tham gia BHYT.

Cử tri nhiều địa phương kiến nghị xem xét giảm hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên

Cử tri Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét nghiên cứu và đưa ra giải pháp hỗ trợ hoặc duy trì mức đóng BHYT cho những người tham gia theo hộ gia đình, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính.

Trong khi đó, cử tri tỉnh Bình Định phản ánh, trong gia đình đông thành viên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình, các thành viên sau sẽ được mua BHYT với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, học sinh, sinh viên trong gia đình lại không được hưởng ưu đãi này khi tham gia BHYT.

Theo quy định, nhóm học sinh - sinh viên sau khi được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng thì tổng chi phí vẫn tương đương mức đóng của thành viên thứ hai trong gia đình, nhưng lại cao hơn so với mức đóng của các thành viên thứ ba trở đi. Vì vậy, cử tri Bình Định kiến nghị cho phép người dân có quyền lựa chọn hình thức đóng BHYT phù hợp nhằm giảm chi phí.

Chị Nguyễn Thị Mai (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, khi lương cơ sở tăng, tiền đóng bảo hiểm y tế cũng tăng theo. Trước đây chỉ phải đóng 860.000 - 970.000 đồng, giờ đã tăng lên 1,264 triệu đồng. Gia đình chị mua bảo hiểm y tế cho hai con, nhưng cả năm không sử dụng lần nào.

Còn anh Trần Văn Minh (Long Biên, Hà Nội) cũng cho rằng, nên giảm tiền bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên. Bởi hầu như học sinh rất ít khi dùng thẻ bảo hiểm. Vì vậy, giảm chi phí cho học sinh, sinh viên là hợp lý. Các con anh chưa bao giờ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của học sinh.

Nhiều phụ huynh cho rằng con hiếm khi phải dùng tới BHYT (Ảnh: Phạm Hải)

Mức đóng được xây dựng trên điều kiện kinh tế - xã hội

Trước những kiến nghị trên, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan giải thích, theo Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng BHYT hàng tháng tối đa là 6% mức lương cơ sở hoặc trợ cấp thất nghiệp. Hiện tại, mức đóng là 4,5%. Mức đóng này được xây dựng dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và đã có quy định hỗ trợ cho các nhóm khó khăn như người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số và những người sinh sống tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng Lan nhấn mạnh, mức đóng BHYT hiện nay là tương đối thấp so với các nước có điều kiện kinh tế tương đồng và quyền lợi BHYT cũng khá đầy đủ. Bộ trưởng cũng mong cử tri hiểu và ủng hộ chính sách BHYT, nhằm đảm bảo tài chính khi gặp khó khăn về sức khỏe.

Về kiến nghị học sinh, sinh viên mua BHYT theo hộ gia đình, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, theo Luật Bảo hiểm y tế, nếu một người thuộc nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT thì sẽ đóng theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định. Do đó, kiến nghị trên chưa thể thực hiện được vì học sinh, sinh viên đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng theo đối tượng ưu tiên đầu tiên.

Ngoài ra, Nghị định số 75/2023 của Chính phủ đã quy định các tỉnh có thể hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT tùy vào khả năng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. UBND cấp tỉnh sẽ trình HĐND cùng cấp quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cao hơn mức tối thiểu hiện hành.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, Bộ Y tế sẽ tổng hợp ý kiến và đề xuất lên Chính phủ để xem xét và trình Quốc hội trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm đối tượng. Bộ trưởng cũng mong muốn cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách BHYT, cũng như tích cực tham gia để đảm bảo tài chính trong trường hợp ốm đau, bệnh tật.

Đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 93,6 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Tính đến ngày 30/6, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT là hơn 15,7 triệu người, chiếm khoảng 97,2%. Trong đó, tỷ lệ tham gia của sinh viên thấp hơn so với học sinh.