Thị trường vàng trong nước thời gian qua đã đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, dù đã có sự can thiệp của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với yêu cầu chậm nhất đến tháng 6/2025 phải sử đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Quốc hội được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vướng mắc cho thị trường.
Người dân vẫn khó khăn trong mua bán
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, diễn biến của thị trường vàng trong gần nửa năm qua khá "lạ". Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành công trong việc giảm chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới, cũng như kiểm soát hoạt động đầu cơ và buôn lậu, nhưng thị trường vàng vẫn gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng chưa được giải quyết triệt để.
Một trong những bất cập lớn nhất là hệ thống phân phối vàng miếng SJC hiện nay. Thị trường vàng miếng tại Việt Nam chủ yếu được phân phối qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC, điều này khiến cho việc giao dịch và mua bán vàng miếng gặp rất nhiều khó khăn. Người dân, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, gặp phải tình trạng khan hiếm vàng miếng, khó tiếp cận với nguồn cung ổn định và với giá hợp lý.
Ngoài ra, mặc dù giá vàng trong nước đã gần bằng với giá thế giới, nhưng vẫn tồn tại tình trạng chênh lệch giá khá lớn, đặc biệt là khi có sự tham gia của các đầu mối phân phối hạn chế. Điều này không chỉ tạo ra sự bất ổn trong giao dịch vàng, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với thị trường vàng trong nước. Cùng với đó là những vấn đề liên quan đến kiểm soát chất lượng vàng miếng và nguy cơ gian lận trong giao dịch vàng, điều này càng làm cho người tiêu dùng không yên tâm khi tham gia vào thị trường này.
Nói về vấn đề này, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, hiện nay giao dịch trên thị trường vàng không bình thường khi người dân mua bán rất khó khăn. Nhìn nhận một cách khách quan, vàng là một loại tài sản đầu tư như bao tài sản khác, do đó, việc xuất hiện các hiện tượng đầu cơ là điều tự nhiên trong bối cảnh biến động giá. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ diễn ra trong những giai đoạn ngắn hạn và có tính chất tạm thời.
Với cách nhìn nhận như vậy, không cần phải quá chú trọng vào việc quản lý chống đầu cơ. Khi chính sách trở nên quá nghiêm ngặt, sẽ tạo ra tâm lý người dân càng chú ý nhiều hơn và tập trung đầu tư vào vàng. Vàng là một loại tài sản đầu tư có tính chất tích lũy, nhưng chỉ trong những điều kiện nhất định. Thực tế, đầu cơ còn có thể đóng vai trò cần thiết trong việc thúc đẩy sự linh hoạt của các thị trường tài chính.
Trước đây, Chính phủ đã cho phép nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý nhập khẩu vàng và thị trường có sự đa dạng về các thương hiệu vàng miếng. Việc quản lý thông qua hạn ngạch nhập khẩu hàng năm là hợp lý, khi Chính phủ có thể điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, thương mại và tỷ giá hối đoái mỗi năm, nhằm cân đối cung - cầu trên thị trường. Bên cạnh đó, nếu vẫn không khuyến khích việc đầu tư và nắm giữ vàng, có thể xem xét tăng thuế để điều chỉnh. Người dân có thể chấp nhận sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, nhưng cần đảm bảo họ có thể giao dịch một cách thuận tiện.
Sửa đổi để giải quyết bất cập
Trước thực tế trên, cùng với yêu cầu của Quốc hội, TS Đinh Thế Hiển đề xuất, sửa đổi Nghị định 24 theo hướng cho phép các doanh nghiệp lớn, bao gồm cả một số ngân hàng thương mại nhà nước, nhập khẩu vàng hàng năm theo hạn ngạch sẽ tạo ra sự cạnh tranh và giúp đảm bảo tính thanh khoản trên thị trường. Các doanh nghiệp có thể phát triển nhiều thương hiệu vàng riêng, giống như trước năm 2012, từ đó giúp giảm mức chênh lệch giá vàng giữa thị trường trong nước và quốc tế, không còn cao như hiện nay.
Ông Đinh Thế Hiển cho rằng, việc nhập khẩu vàng và tích lũy tài sản là bình thường, vì nhiều quốc gia cũng tăng cường dự trữ vàng bên cạnh ngoại hối và các loại giấy tờ có giá khác. Vàng có tính thanh khoản cao và dễ dàng chuyển đổi thành ngoại tệ bất cứ lúc nào, vì vậy không cần quá lo ngại về tác động tiêu cực đến nguồn ngoại tệ trong nước. Thêm vào đó, việc chỉ cho phép "độc quyền" vàng miếng SJC thực tế lại khiến công ty này gặp khó khăn trong việc duy trì sự phát triển, thậm chí có thể tụt lại phía sau so với trước.
Đồng tình, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, cần sớm sửa đổi Nghị định 24 theo hướng bỏ độc quyền sản xuất của Nhà nước và loại bỏ sự độc quyền của thương hiệu vàng miếng SJC. Việc này sẽ mở ra cơ hội cạnh tranh, cho phép nhiều thương hiệu vàng miếng xuất hiện trên thị trường, từ đó giúp hạn chế việc chênh lệch giá vàng trong nước bị đẩy lên quá cao và bất hợp lý như thời gian qua.
Tương tự, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải làm rõ mục tiêu đối với thị trường vàng trong thời gian tới để có thể điều chỉnh Nghị định 24 cho phù hợp. Nếu vẫn giữ quan điểm nhập khẩu vàng làm thất thoát ngoại tệ, ảnh hưởng tỷ giá và kiểm soát việc "vàng hóa" nền kinh tế, thì với các quy định hiện hành của Nghị định 24, chỉ cần áp dụng thực tiễn mà không cần sửa đổi.
Tuy nhiên, nếu xem vàng là một thị trường hàng hóa, thì các quy định cần được điều chỉnh để thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Nghị định 24 hiện nay coi vàng miếng SJC là vàng dự trữ quốc gia, vì vậy có quy định độc quyền. Khi sửa đổi Nghị định này, nên xem vàng miếng như một loại hàng hóa và cho phép sự xuất hiện của các thương hiệu vàng khác.
Với mục tiêu "nghiên cứu chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng và chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh", ông Thịnh cho biết, việc huy động vàng trong dân, chuyển thành vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh đã được bàn đến từ lâu. Để thực hiện được điều này, cần tạo sự tin tưởng cho người dân để NHNN trong việc phát hành chứng chỉ vàng. Khi đó, vàng vật chất sẽ được chuyển thành vàng giấy, giúp nguồn vốn này có thể được sử dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh.