Nghịch lý tái định cư tại TP.HCM: Người chưa có nhà, nhà vẫn chờ người...

Trong khi nhiều dự án bị chậm trễ ở khâu bồi thường và giải phóng mặt bằng do nhiều địa phương thiếu chủ động chuẩn bị quỹ đất, thì hàng chục nghìn căn hộ tái định cư tại TP.HCM vẫn đang phải chờ…người.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa gửi kiến nghị lên UBND thành phố nhằm đảm bảo quỹ đất và nhà tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án.

Tái định cư chưa hiệu quả

Theo đánh giá của cơ quan này, nguyên nhân chính gây chậm trễ trong việc bồi thường và giải phóng mặt bằng là do nhiều địa phương thiếu chủ động trong việc chuẩn bị quỹ đất tái định cư. Hậu quả là khi triển khai các dự án, địa phương không có đất tái định cư tại chỗ, buộc phải bố trí người dân đến nơi khác.

"Việc bố trí tái định cư không đúng nhu cầu và nguyện vọng của người dân đã gây khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ," Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định.

Thực trạng này đã xảy ra tại một số dự án cấp bách tại TP.HCM.  Ví dụ, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp) do thiếu quỹ đất tái định cư nên người dân bị giải tỏa phải chuyển đến 16 khu vực rải rác tại các quận Bình Thạnh, quận 10, quận 12 và TP Thủ Đức. Tương tự, dự án bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) cũng buộc người dân tái định cư tại 8 khu vực thuộc quận 8, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh.

quy-dat-tai-dinh-cu-1733288817.jpg
Nguyên nhân chính gây chậm trễ trong việc bồi thường và giải phóng mặt bằng là do nhiều địa phương thiếu chủ động trong việc chuẩn bị quỹ đất tái định cư

Trước tình hình này, Sở đề xuất 21 quận, huyện và TP Thủ Đức lập kế hoạch rà soát các khu đất lãng phí, đất trống, đất công hoặc các khu vực cho thuê sai mục đích để sử dụng làm quỹ đất tái định cư. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải ngân và bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư.

Sở Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan xây dựng trình tự, thủ tục lập và triển khai các dự án tái định cư. Đồng thời, các cơ quan quản lý sẽ phải báo cáo tiến độ thực hiện lên UBND thành phố.

TP.HCM đặt mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên kênh rạch đến năm 2030, nhưng đến hết quý II/2024, thành phố mới di dời được 983 căn, chỉ đạt 15% kế hoạch. Hiện, một số dự án trọng điểm, cấp bách như Vành đai 2, cải tạo rạch Xuyên Tâm, nạo vét và cải tạo bờ Bắc kênh Đôi đang cần được phê duyệt ngay phương án bồi thường, tái định cư để giải ngân vốn.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án này không chỉ giúp thực hiện kế hoạch mà còn góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hiện vẫn còn khoảng 63.000 tỷ đồng chưa được sử dụng tại TP.HCM.

Hàng chục nghìn căn hộ trống vắng người ở

Trong khi nhiều nơi thiếu quỹ đất tái định cư dẫn đến việc các dự án trọng điểm chậm tiến độ, thì tại TP.HCM vẫn còn hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ trống, dẫn đến tình trạng người không có nhà, nơi có nhà lại chờ người.

Chẳng hạn, Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM), được xây dựng hơn 10 năm trước trên diện tích hơn 30 ha với chi phí hơn 1.000 tỷ đồng, hiện chỉ lấp đầy một phần. Nơi này gồm 500 nền đất, 45 lô chung cư và gần 2.000 căn hộ, nhưng nhiều lô chung cư vẫn để trống hoặc chưa có hộ tái định cư. Tương tự, khu 38,4 ha tại phường An Khánh (TP Thủ Đức) thuộc chương trình tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng trong tình trạng bỏ trống dù có hàng ngàn căn hộ.

Các khu tái định cư này do Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) quản lý. Trung tâm hiện quản lý hơn 10.000 căn hộ tái định cư thuộc sở hữu nhà nước, trong đó gần 9.000 căn để trống. Việc không sử dụng dẫn đến xuống cấp và tăng chi phí bảo trì.

tai-dinh-cu-1733288744.jpg
Hàng ngàn căn hộ tái định cư vẫn đang...chờ người

Mới đây, TP.HCM đã giao trung tâm đóng vai trò đầu mối, chủ trì việc sửa chữa các căn hộ và phần sở hữu chung đối với hai nhóm: toàn bộ căn hộ trong các tòa nhà chung cư thuộc tài sản công còn trống, chưa bố trí sử dụng; và các căn hộ trống, chưa sử dụng nằm xen kẽ giữa các căn hộ đã được bố trí sử dụng nhưng chưa thành lập ban quản trị chung cư.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đang đẩy mạnh đấu giá quỹ đất và nhà tái định cư nhằm khởi động thị trường bất động sản và tăng thu ngân sách. Trước mắt, thành phố sẽ đấu giá 3 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự kiến hoàn thành từ tháng 7-2025 đến năm 2026, đồng thời tiếp tục đấu giá 4 lô đất và gần 4.000 căn hộ tại An Khánh, cùng gần 1.000 căn tại Vĩnh Lộc B.

Theo ghi nhận thực tế, các block chung cư tái định cư Thủ Thiêm vẫn đang bị bỏ hoang, được rào chắn sơ sài, lối vào cỏ mọc um tùm. Nhiều công trình có dấu hiệu xuống cấp với tường sơn mốc, rạn nứt, vỉa hè và lối đi bị lún sụt… Ông Nguyễn Văn Tư (68 tuổi), một cư dân gắn bó lâu đời với vùng đất Thủ Thiêm, bày tỏ sự xót xa khi ngay tại TP Thủ Đức vẫn còn nhiều người dân sống trong cảnh thiếu chỗ ở ổn định.

Trước đó, TP.HCM từng xem xét chuyển gần 4.000 căn hộ tái định cư sang quỹ nhà ở xã hội, nhưng vướng quy định khắt khe. Dù được miễn tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường vẫn phải tính vào giá thành, khiến giá căn hộ tăng cao. Một phương án khác là chuyển đổi các căn hộ này thành căn hộ thương mại, nhưng cũng gặp khó khăn do chi phí hạch toán giá đất, xây dựng và lãi vay khiến giá bán vượt xa thị trường. Hơn nữa, dù nằm ở vị trí đắc địa, chất lượng các căn hộ không đáp ứng nhu cầu do thiết kế lạc hậu và sử dụng vật liệu, thiết bị thuộc phân khúc thấp.