Thêm hình phạt bổ sung để xử lý triệt để hành vi vượt đèn đỏ vẫn đang diễn ra nhan nhản

Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội xác định, hành vi vượt đèn đỏ là do ý thức kém của người tham gia giao thông. Việc vi phạm chủ yếu xảy ra trong các khung giờ cao điểm (sáng từ 6h - 8h, chiều từ 16h - 18h) tại các ngã tư như Đại Cồ Việt - Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng…

Xử lý nghiêm vượt đèn đỏ

Ngày 3/12, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP. Hà Nội) cho biết, đơn vị đã nhận được nhiều phản ánh về tình trạng phương tiện, chủ yếu là xe máy, có hành vi chen ngang và vượt đèn đỏ vào giờ cao điểm tại các nút giao thông quan trọng. Đơn vị đã yêu cầu các Đội CSGT địa phương tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm này.

Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội xác định, hành vi vượt đèn đỏ là do ý thức kém của người tham gia giao thông. Việc vi phạm chủ yếu xảy ra trong các khung giờ cao điểm (sáng từ 6h - 8h, chiều từ 16h - 18h) tại các ngã tư như Đại Cồ Việt - Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng…

den-do-1-1733311522.jpg
Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội xác định, hành vi vượt đèn đỏ là do ý thức kém của người tham gia giao thông (Ảnh: Trần Thanh/Dân trí)

Vào những khung giờ này, số lượng lớn phương tiện dừng đèn đỏ cùng lúc khiến những người điều khiển xe máy phía sau mất kiên nhẫn, dẫn đến việc luồn lách, leo lên vỉa hè để vượt qua dòng xe dừng đỗ hoặc cố tình lao sang phần đường bên kia khi dòng phương tiện đang di chuyển.

Ghi nhận tại ngã tư Đại Cồ Việt - Lê Duẩn vào sáng 3/12, tổ công tác đặc biệt đã xử lý 11 trường hợp vi phạm vượt đèn đỏ. Trung tá Nguyễn Ngọc Thuyên - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 15 cho biết, người vi phạm rất đa dạng, từ học sinh, sinh viên đến công chức, người cao tuổi... Hành vi vi phạm được ghi nhận qua camera giám sát của thành phố và của tổ công tác để người vi phạm “tâm phục khẩu phục”, nên sau khi bị xử lý và được tuyên truyền đã có chuyển biên tích cực.

Tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), Đội Cảnh sát giao thông số 7 cũng đã xử lý hơn 10 trường hợp vượt đèn đỏ.

Liên quan đến vấn đề này, đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) đánh giá, hiện nay ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng lên. Tuy nhiên một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế.

Tình trạng vượt đèn đỏ tại Hà Nội cũng như một số thành phố lớn khác xảy ra chủ yếu vào các buổi sáng sớm hoặc đêm, tại các nút giao, ngã ba, ngã tư không có lực lượng CSGT giám sát. Các đối tượng vi phạm chủ yếu là mô tô và xe gắn máy.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh, đây cũng là một vấn đề rất đáng báo động, bởi tại các nút giao mà có hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, nếu người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh, sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Ngay cả khi đèn tín hiệu chỉ nháy vàng liên tục, dù các phương tiện giao thông được phép đi nhưng luật vẫn yêu cầu người và phương tiện phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và phải nhường đường cho người đi bộ.

Thêm các hình phạt bổ sung

Tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ không chỉ là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam mà còn là mối quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến các cơ quan chức năng phải đau đầu tìm cách giải quyết.

Vào năm 2015, tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), lực lượng chức năng đã áp dụng một phương pháp xử lý "lạ" đối với những người vi phạm đèn đỏ. Đó là phải đứng tại hiện trường cho đến khi cảnh sát giao thông phát hiện thêm một trường hợp vi phạm khác.

Tương tự, từ giữa tháng 8/2014, cảnh sát tại Trường Sa (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) đã sử dụng hình phạt làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của người vi phạm. Cụ thể, nếu không muốn nộp phạt, người vi phạm phải đứng tại các ngã tư đông đúc, cầm biển an toàn giao thông trong thời gian quy định tùy theo mức độ vi phạm. 

Ví dụ, người đi xe đạp điện sai làn đường hoặc chở quá số người quy định bị phạt đứng 60 phút. Nhưng nếu họ thừa nhận lỗi, thời gian phạt sẽ được giảm xuống còn 30 phút. Nhà chức trách cho biết, hình thức phạt này nhận được sự ủng hộ từ nhiều người dân, đa số đều cho rằng nó hiệu quả hơn so với việc phạt tiền.

den-do-1733311522.jpg
Nhiều ý kiến đề xuất thêm hình thức phạt bổ sung để xử lý triệt để tình trạng vượt đèn đỏ

Trước tình trạng vượt đèn đỏ xảy ra nhan nhản như hiện nay, nhiều người cũng đề xuất nên có những biện pháp “lạ” như trên. Về những ý kiến này, trao đổi trên Báo Dân trí, đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, hiện nay tất cả các hình thức xử phạt vi phạm luật giao thông đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, có 2 hình thức là xử phạt chính và phạt bổ sung. Ví dụ như xử phạt chính là phạt tiền, còn hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe. Thời gian tới đây sẽ có thêm việc trừ điểm trên giấy phép lái xe.

Đại tá Nhật chia sẻ, trên thế giới hiện nay, mỗi quốc gia có cách thức xử lý vi phạm giao thông khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù của từng quốc gia, tình hình phát triển kinh tế xã hội, dân cư, văn hóa, chính trị và pháp luật. Tuy nhiên, mục tiêu chung vẫn là răn đe, giúp người vi phạm không còn muốn, không thể hoặc không dám vi phạm nữa.

Theo Đại tá Nhật, trước đây đã có một số đề xuất xử phạt bổ sung như bắt lao động công ích. Trong quá trình tổ chức xử lý vi phạm, Cục CSGT sẽ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, Cục CSGT cũng sẽ nghiên cứu đề xuất những hình thức phạt bổ sung hợp lý để phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Về các hình thức phạt bổ sung đối với hành vi vượt đèn đỏ, luật sư Hoàng Văn Hướng - Đoàn luật sư TP. Hà Nội chia sẻ, ông hoàn toàn ủng hộ các hình thức phạt bổ sung như bắt vi phạm phải chép phạt luật giao thông, lao động công ích... Tuy nhiên, việc này cần phải tùy theo đối tượng vi phạm. Như với trẻ nhỏ vi phạm, hình thức chép phạt sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục. Thậm chí, các hình phạt bổ sung cần phải đa dạng hơn để đạt mục tiêu răn đe, giáo dục, ngăn chặn vi phạm và đánh vào ý thức của người dân khi tham gia giao thông, nhằm giúp họ không tái phạm.

Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự cũng cho rằng, để giảm thiểu tình trạng vượt đèn đỏ ở Hà Nội, các cơ quan chức năng cần lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông tại các tuyến đường, đặc biệt là những tuyến thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn.

Với hệ thống camera giám sát, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là hành vi vượt đèn đỏ. Tất cả các vi phạm của cá nhân và tổ chức sẽ được ghi lại và công khai trên các phương tiện truyền thông hoặc ứng dụng điện thoại, từ đó tăng cường tính minh bạch và giúp người dân dễ dàng giám sát.

Luật sư Lê Hồng Hiển đánh giá, việc xử lý vi phạm được thực hiện công khai, minh bạch, chắc chắn sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng vi phạm giao thông hiện nay. Khi người dân nhận thức được rằng hành vi vi phạm sẽ bị phát hiện và xử lý, họ sẽ có ý thức chấp hành tốt hơn.