Sai phạm kiểm toán: Tăng xử phạt gấp 20 lần có nâng cao được chất lượng?

Việc tăng mức phạt gấp 20 lần đối với các sai phạm trong lĩnh vực kiểm toán đang được kỳ vọng sẽ nâng cao tính răn đe và hạn chế vi phạm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu những biện pháp hành chính này có thể thay thế được đạo đức nghề nghiệp, vốn là yếu tố cốt lõi đảm bảo chất lượng kiểm toán?

Quốc hội đã chính thức thông qua luật Kiểm toán độc lập cùng với một số luật khác. Điểm đáng chú ý trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là luật này đã tăng mức tiền xử phạt lên gấp 20 lần so với hiện tại.

Tăng nặng cả mức xử phạt và thời hiệu

Trong thời gian qua, nhiều vụ đại án được xét xử thời gian qua đã hé lộ những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của kiểm toán viên và các công ty kiểm toán. Điển hình là các vụ án như ông Nguyễn Cao Trí (liên quan Công ty Sài Gòn Đại Ninh), vụ Tân Hoàng Minh và FLC. Những sai phạm của kiểm toán trong các vụ việc này không chỉ bị chỉ đích danh mà còn làm dấy lên những câu hỏi lớn từ dư luận về trách nhiệm và chất lượng kiểm toán.

Thậm chí, chỉ trong một tháng trở lại đây, danh sách dài các kiểm toán viên bị đình chỉ hoặc sắp bị đình chỉ tư cách kiểm toán trong các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đã được công bố. Điều này khiến nhà đầu tư không khỏi lo lắng. Đồng thời, kết luận liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa tại Bộ Giao thông Vận tải cũng tiếp tục đặt nghi vấn về vai trò và trách nhiệm của kiểm toán trong quá trình này.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận , việc thực hiện Nghị định số 41/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán độc lập đã bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, có những trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện nhưng đã hết thời hiệu xử phạt (1 năm), dẫn đến không thể xử lý.

kiem-toan-1733310464.png
Việc tăng mức phạt gấp 20 lần đối với các sai phạm trong lĩnh vực kiểm toán đang được kỳ vọng sẽ nâng cao tính răn đe và hạn chế vi phạm

Ngoài ra, một số quy định chưa phù hợp với bản chất vi phạm hoặc thông lệ quốc tế; mức xử phạt hiện hành còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Điều này khiến các doanh nghiệp kiểm toán và đối tượng vi phạm thường không ngại vi phạm các quy định của Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn.

Vì vậy, tại quy định mới, các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong việc tuân thủ chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán và quyết định của các bên liên quan như cơ quan quản lý, nhà đầu tư, ngân hàng; vi phạm quy định kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị có lợi ích công chúng; hoặc do thiếu cẩn trọng dẫn đến sai sót hoặc làm sai lệch kết quả và hồ sơ kiểm toán, sẽ bị xử phạt tối đa 2 tỷ đồng đối với công ty và 1 tỷ đồng đối với cá nhân.

Hiện tại, mức xử phạt cho các vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán chỉ dừng lại ở 100 triệu đồng đối với công ty kiểm toán và 50 triệu đồng đối với cá nhân. Ngoài ra, thời hiệu xử phạt được đề xuất nâng lên tối đa 5 năm, thay vì 1 năm như hiện nay.

Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận định việc tăng mức xử phạt lên 2 tỷ đồng đối với tổ chức kiểm toán và 1 tỷ đồng đối với cá nhân kiểm toán viên là cần thiết để tạo tính răn đe.

Trước đây, mức xử phạt quá thấp khiến một số cá nhân và công ty kiểm toán dễ dàng "nhắm mắt làm đại" khi thực hiện nhiệm vụ. Thậm chí, nhiều kiểm toán viên chỉ làm qua loa, lấy lệ vì mức phạt thấp hơn cả khoản thù lao họ nhận được từ các hợp đồng kiểm toán.

Quan trọng nhất vẫn là đạo đức nghề nghiệp

Tuy nhiên, luật sư Xoa cũng nhấn mạnh, việc tăng mức phạt chỉ là một phần của giải pháp. Cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm toán. Quan trọng hơn, khi phát hiện sai phạm và áp dụng xử phạt, cần công khai thông tin một cách minh bạch. Điều này không chỉ nâng cao tính răn đe mà còn ngăn chặn các tổ chức, cá nhân khác tái diễn những hành vi sai trái tương tự.

Ở góc nhìn khác, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Công ty tư vấn và đào tạo tài chính AzFin, nhận định, không phải tất cả kiểm toán viên đều có năng lực chuyên môn tốt. Trong khi đó, các hành vi gian dối của doanh nghiệp ngày càng tinh vi. Ông Phục cũng chỉ ra, không phải mọi công ty kiểm toán đều làm việc minh bạch và khách quan.

“Đôi khi, kiểm toán viên phải làm việc dưới áp lực lớn từ cấp trên,” ông Phục chia sẻ.

kiem-toan-1-1733310663.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng không phải mọi công ty kiểm toán đều làm việc minh bạch và khách quan

PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, người đã có nhiều năm gắn bó với ngành kiểm toán từ thập niên 1990, cho rằng nghề kiểm toán là một nghề chuyên nghiệp, yêu cầu cao về tính độc lập, chính trực và đạo đức nghề nghiệp. Vì thế, việc ký báo cáo kiểm toán mà không có đủ bằng chứng xác thực, dù vì lý do cá nhân, năng lực yếu kém hay bị áp lực từ tổ chức, là điều không thể chấp nhận được.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh rằng, các quốc gia trên thế giới đều đặt ra yêu cầu rất nghiêm ngặt về tính chuyên nghiệp và độc lập trong nghề kiểm toán. Liên đoàn Kế toán Thế giới (IFAC) đã ban hành bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cùng bộ quy tắc ứng xử dành cho các kế toán viên, kiểm toán viên. Những quy định này cũng đi kèm với các chế tài xử lý vi phạm rất nghiêm khắc và kiên quyết.

Tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho ngành kế toán và kiểm toán, đồng thời áp dụng cơ chế kiểm soát chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp. Hiện nay, Bộ cũng đang tiến hành sửa đổi và bổ sung các quy định mới.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, đây không phải là giải pháp căn bản.Vì dù mức phạt cao có thể làm giảm vi phạm, nhưng việc này vẫn phải cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại. Điều quan trọng nhất vẫn là giữ gìn danh dự và giá trị của nghề nghiệp kiểm toán.

Đồng tình, ông Bùi Văn Huy Giám đốc Chứng khoán DSC chi nhánh TP.HCM, cho biết thời gian gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp có xu hướng "xào nấu" báo cáo tài chính để làm "đẹp" chúng ngày càng gia tăng. Ông Huy cho rằng, cần phải nghi ngờ những doanh nghiệp có mâu thuẫn với kiểm toán hoặc các doanh nghiệp yếu kém, nhưng lại đột nhiên thay đổi phương pháp kế toán như hạch toán chi phí trễ hay ghi nhận doanh thu sớm.

Những trường hợp này cần được xem xét một cách thận trọng. Đối với các doanh nghiệp như vậy, công ty kiểm toán sẽ phải đưa ra quyết định rõ ràng là "chấp nhận" hoặc "không chấp nhận". Tuy nhiên, thực tế là các công ty kiểm toán cũng là doanh nghiệp và họ cũng cần tạo ra doanh thu.

“Nếu công ty kiểm toán đồng ý bỏ qua các vấn đề để đảm bảo doanh thu, điều này có thể dẫn đến việc vi phạm các chuẩn mực và thậm chí là vi phạm pháp luật", ông Huy nhấn mạnh.

Hiện nay, tại Hàn Quốc và một số nước châu Âu, bao gồm Anh, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm được quy định đa dạng, từ phạt tiền lớn đến các hình thức nghiêm khắc hơn.  Cụ thể, tại Hàn Quốc, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp, nhận hối lộ, làm giả số liệu, thay đổi hoặc hủy thông tin kiểm toán, che giấu sự thật, hay không báo cáo hành vi sai trái của giám đốc đơn vị được kiểm toán có thể bị phạt tù chung thân hoặc ít nhất 5 năm lao động, hoặc bị phạt tiền tối đa 50 triệu won (tương đương gần 900 triệu đồng).

Các vi phạm như không nộp báo cáo tài chính, trốn tránh kiểm tra chất lượng, từ chối cung cấp tài liệu, tiết lộ thông tin mật hoặc can thiệp sai trái vào hoạt động kiểm toán… có thể bị phạt tù lao động lên đến 3 năm hoặc phạt tiền tối đa 30 triệu won (tương đương gần 540 triệu đồng).

Về thời hiệu xử phạt, nhiều quốc gia áp dụng thời gian dài hơn so với Việt Nam. Cụ thể, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản quy định thời hiệu lên đến 10 năm; Singapore, Philippines, Canada và Hong Kong từ 5 đến 6 năm; Ấn Độ là 3 năm, còn Anh không có giới hạn về thời gian xử phạt.