An toàn cho trẻ chưa được quan tâm khi chỉ có 1,3% chủ xe ô tô sử dụng thiết bị bảo vệ

PGS.TS Phạm Việt Cường cho biết, tỷ lệ xe sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em ở Hà Nội chỉ đạt 2,6%, tại TP. HCM là 1,1% và đặc biệt ở Đà Nẵng là 0%. Tính chung cả nước, con số này chỉ là 1,3%.

Sáng ngày 10/10, Trung tâm tư vấn sức khỏe cộng đồng CHD phối hợp với Ban An toàn giao thông TP. HCM và các đơn vị liên quan tổ chức họp báo để thông tin về những điểm mới trong “Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ” liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng ô tô.

Tại đây, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi di chuyển bằng ô tô. Đây là điểm tiến bộ, thể hiện sự quan tâm đến nhóm đối tượng này.

tre-em-o-to-1728555247.jpg
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an)

Theo thống kê năm 2023, đã có 2.158 vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em (từ 6 đến dưới 18 tuổi) dẫn đến 1.034 em tử vong và 827 em bị thương. Trong 9 tháng đầu năm nay, số vụ tai nạn ghi nhận là 1.957, làm 783 em tử vong và 2.018 em bị thương.

Để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông trên ô tô, Luật quy định rõ trẻ em dưới 10 tuổi và có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ các loại ô tô chỉ có một hàng ghế) và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Ngoài ra, người lái xe cần hướng dẫn cách sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ.

Ông Nhật cho biết, việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô đã trở thành quy định bắt buộc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến thực trạng sử dụng dây an toàn và thiết bị an toàn cho trẻ em còn hạn chế. Điều này đã gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ em. Nếu sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, nhiều nguy cơ có thể được hạn chế, đặc biệt trong các tình huống phanh gấp hoặc khi trẻ tự ý di chuyển trên xe.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Việt Cường - Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế công cộng) chia sẻ, sự gia tăng nhanh chóng của việc sở hữu ô tô ở Việt Nam đang làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện này. Tại Hà Nội, tỷ lệ tăng trưởng sở hữu xe ô tô cá nhân đạt 113,7%/năm trong giai đoạn 2014 - 2018, với 60 xe ô tô con/1.000 dân vào năm 2018.

tre-em-o-to-1-1728555247.jpeg
Phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô khi tham gia giao thông

PGS.TS Phạm Việt Cường cũng đưa ra số liệu: Tỷ lệ xe sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em ở Hà Nội chỉ đạt 2,6%, tại TP. HCM là 1,1% và đặc biệt ở Đà Nẵng là 0%. Tính chung cả nước, chỉ 1,3% xe ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em ngồi ghế trước ô tô khá cao, với khoảng 22,8% xe có trẻ ngồi một mình và 19,2% xe có trẻ ngồi chung với người lớn. Ông Cường cảnh báo, trẻ em không nên ngồi ghế trước vì vị trí này chịu lực tác động lớn hơn khi xảy ra va chạm, dễ văng ra ngoài nếu không thắt dây an toàn và có thể bị va đập bởi túi khí. Bên cạnh đó, trẻ em hiếu động có thể gây mất tập trung cho người lái. Ghế trước cũng không được thiết kế với hệ thống lắp đặt thiết bị an toàn cho trẻ em.

Nhiều nước trên thế giới quy định, trẻ em dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 1,5m không được ngồi ghế trước. Ông Cường nhấn mạnh, trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi dùng được dây an toàn của người lớn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, dây an toàn 3 điểm trên ô tô hiện nay không bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ đến khi đủ chiều cao xấp xỉ 1,5m.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói thêm, các quy định mới trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ được thực hiện từ 1/1/2025. Tuy nhiên, để đồng bộ về tuyên truyền, thay đổi thói quen cũng như sự chuẩn bị về thiết bị… hiệu lực thi hành của những quy định trên được lùi thêm 1 năm, tức là áp dụng từ 1/1/2026. Lúc đó, các chế tài xử phạt cũng sẽ được thực hiện.