Bị lừa gần 1 tỷ đồng
Sáng ngày 5/2, một người dùng đã chia sẻ trên mạng xã hội về việc người quen của mình bị lừa hơn một tỷ đồng khi đặt phòng tại fanpage có dấu tích xanh mang tên “Minawa Kenhga Resort & Spa Ninh Bình”.
Theo bài đăng, vị khách đặt phòng cho 2 người lớn và 2 trẻ em, từ ngày 31/1 đến 3/2. Sau khi trao đổi qua tin nhắn và được tư vấn trên fanpage, khách đã chuyển khoản tiền đặt cọc 6,5 triệu đồng.
![minawa-1-1738804655.jpg](https://dothi.reatimes.vn/uploads/images/2025/02/06/minawa-1-1738804655.jpg)
Sự cố xảy ra khi đối tượng lừa đảo thông báo khách đã chuyển sai nội dung, hệ thống không thể xác nhận và yêu cầu chuyển lại để kế toán kiểm tra, đồng thời lấy lại số tiền bị lỗi.
Sau nhiều lần chuyển khoản với hy vọng lấy lại tiền, khách liên tục nhận thông báo sai nội dung và tiếp tục chuyển các khoản tiền lớn hơn, lần lượt là 39,5 triệu đồng, 125,6 triệu đồng, 379,6 triệu đồng và 485,6 triệu đồng. Tổng số tiền chuyển khoản đã lên tới gần 1 tỷ đồng.
Đúng lúc này, vị khách bất ngờ không thể liên hệ được với khu nghỉ dưỡng, thì mới nhận ra mình bị lừa và trình báo công an địa phương. Dù biết khả năng lấy lại tiền rất khó, người này vẫn chia sẻ câu chuyện nhằm cảnh báo và nâng cao cảnh giác cho mọi người.
Vụ việc nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho hay, họ cũng từng rơi vào tình huống tương tự khi đặt phòng trực tuyến. Tuy nhiên, hầu hết số tiền bị lừa thường dưới 10 triệu đồng, và do xác định khó có khả năng lấy lại, nhiều khách hàng đành chấp nhận mất trắng.
Trả lời báo chí, bà Vũ Thị Cẩm Hằng - quản lý khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà cho biết, đã nắm được thông tin về vụ việc và đang phối hợp với chính quyền địa phương để nhờ hỗ trợ xử lý. Bà khẳng định, fanpage mà khách bị lừa tiền là giả mạo, không thuộc quản lý của khu nghỉ dưỡng.
Nhiều đối tác lữ hành và khách hàng đã gọi điện để xác minh thông tin về sự việc này. Đây không phải lần đầu tiên khu nghỉ dưỡng bị các trang fanpage giả mạo nhằm lừa đảo khách hàng, gây ảnh hưởng đến uy tín.
Trước Tết Nguyên Đán, khu nghỉ dưỡng đã báo cáo và xử lý thành công một trang fanpage giả mạo. Tuy nhiên, ngay sau Tết, nhiều trang mạo danh khác lại xuất hiện với thủ đoạn tinh vi hơn, tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi trên Báo Dân trí, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, đơn vị đã tiếp nhận thông tin về vụ việc. Ngay sau đó, Sở đã chỉ đạo bộ phận chức năng đến làm việc với khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà (huyện Gia Viễn) để hỗ trợ xử lý và thông tin rộng rãi đến du khách nhằm nâng cao cảnh giác.
Ông cũng cho hay, Sở Du lịch Ninh Bình thường xuyên đưa ra khuyến cáo đến các khu, điểm du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và homestay trên địa bàn nhằm cảnh báo du khách về các chiêu trò lừa đảo trực tuyến.
Các đơn vị khi phát hiện trang web hoặc fanpage giả mạo cần nhanh chóng báo cáo cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời, tránh gây thiệt hại cho du khách cũng như ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp", ông Mạnh nhấn mạnh.
![minawa-1738804655.jpg](https://dothi.reatimes.vn/uploads/images/2025/02/06/minawa-1738804655.jpg)
Dấu hiệu nhận biết đang bị lừa đảo
Theo bà Vũ Thị Cẩm Hằng, hầu hết các nạn nhân bị lừa đều đặt phòng qua các trang fanpage, nơi kẻ gian thường đưa ra mức giá hấp dẫn, thấp hơn giá thực tế để thu hút khách. Một số fanpage còn chạy quảng cáo, tạo ra lượng tương tác cao hơn trang chính thức, khiến du khách dễ bị nhầm lẫn và rơi vào bẫy lừa đảo.
Bà Hằng nhấn mạnh, không chỉ khách hàng mà các khu nghỉ dưỡng và khách sạn bị giả mạo cũng là nạn nhân khi uy tín của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây mất lòng tin từ khách du lịch.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, bà khuyến cáo du khách cần cẩn trọng, không nên đặt phòng qua các trang mạng xã hội hoặc fanpage chưa được xác minh chính chủ. Thay vào đó, khách nên tìm kiếm thông tin trên website chính thức của khu nghỉ dưỡng, nơi công khai số hotline và thông tin đặt phòng. Ngoài ra, khách cũng có thể đặt phòng qua các nền tảng uy tín như Booking, Agoda, Traveloka…
Ngoài ra, cơ sở lưu chú thường chỉ yêu cầu khách đặt cọc từ 1 - 2 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ được thanh toán khi nhận phòng. Nếu một cơ sở yêu cầu đặt cọc quá nhiều, khách nên cân nhắc kỹ.
Anh Bùi Quyết, quản trị viên của một cộng đồng du lịch nổi tiếng tại Sapa (Lào Cai) cho biết, mặc dù hình thức lừa đảo đặt phòng không mới, nhưng thời gian gần đây, số lượng du khách bị mất tiền vì mắc bẫy đang gia tăng đáng kể.
Với nhiều năm kinh nghiệm quản trị các hội nhóm du lịch, anh Quyết nhận thấy thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay là tạo fanpage giả mạo của các khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Đáng chú ý, một số trang giả mạo còn có lượng tương tác lớn hơn cả fanpage chính thức của các cơ sở lưu trú.
Do tâm lý chung, du khách thường tin tưởng và lựa chọn những trang có tương tác cao. Khi nhắn tin với quản trị viên của trang giả mạo, khách sẽ nhận được hướng dẫn đặt phòng, sau đó được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản mang danh nghĩa công ty.
Anh Quyết cũng cảnh báo, nếu đã đặt cọc nhưng sau đó nhận được thông báo chuyển sai nội dung và được hướng dẫn thực hiện các bước để lấy lại tiền, gần như 99% đó là lừa đảo. Trong tình huống này, khách cần lập tức dừng lại và không tiếp tục làm theo chỉ dẫn của đối tượng lừa đảo để tránh mất thêm tiền.
Còn theo một chuyên gia kinh tế tại TP. HCM, trong bối cảnh ngành du lịch đang phát triển mạnh, du khách cần cẩn trọng khi đặt phòng để tránh rơi vào bẫy lừa đảo. Vị chuyên gia khuyến cáo không nên đặt phòng qua các trang web hoặc fanpage, ngay cả khi trang đó có dấu tích xanh.
Trước khi chuyển tiền đặt cọc, du khách nên tìm kiếm thông tin khách sạn trên Google để xác minh độ tin cậy, kiểm tra fanpage chính thức của khách sạn trên Facebook và đặc biệt nên gọi điện trực tiếp để kiểm tra danh tính nhân viên, tránh bị kẻ gian lợi dụng.