Các thủ đoạn lừa đảo mạng nổi bật tuần qua: Dụ xem phim, bình chọn online được trả phí

Trong tuần qua (từ 14/10 đến 20/10), không gian mạng Việt Nam tiếp tục ghi nhận các hình thức lừa đảo mạo danh, đánh cắp thông tin chiếm đoạt tài sản như: Dụ xem phim, bình chọn online được trả phí; mạo danh AI người nổi tiếng; mạo danh nhân viên Google đánh cắp tài khoản Gmail…

Cụ thể, theo bản tin cảnh báo an toàn không gian mạng tuần qua, Cục An toàn thông tin đặc biệt nhấn mạnh hình thức lừa đảo dụ xem phim, bình chọn online được trả phí. Đây là hình thức lừa đảo không mới nhưng gần đây đang trở nên ngày càng phức tạp.

Với hình thức lừa đảo này, các đối tượng xấu sẽ tìm cách làm quen và tiếp cận với các nạn nhân qua Facebook. Sau khi thiết lập được sự tin tưởng, chúng sẽ mời họ tải app Telegram để tham gia xem và bình chọn phim online với lời mời chào sẽ kiếm được tiền. Ban đầu, nạn nhân có thể nhận được một khoản tiền nhỏ, sau đó, chúng sẽ liên tục thực hiện những yêu cầu nạp tiền và “bù trừ dữ liệu”.

lua-dao-xem-phim-tra-phi-1729484558.jpg
Hình thức lừa đảo xem phim, đánh giá để nhận tiền đã xuất hiện từ lâu nhưng thời gian gần đây lại càng phức tạp và tinh vi.

Trong số hàng loạt những nạn nhân được ghi nhân gần đây, một người dân ở Bình Phước đã bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng. Ban đầu, nạn nhân được mời tham gia và nhận được một khoản tiền nhỏ sau khi thực hiện nhiệm vụ đầu tiên. Sau đó, chúng đưa ra nhiều lý do để nạn nhân tiếp tục nạp thêm tiền và chiếm đoạt. Chỉ khi không thể rút được tiền và nhận ra sự thật, nạn nhân này mới trình báo cơ quan công an.

Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo một số dấu hiệu nhận diện những thủ đoạn lừa đảo này, đặc biệt là việc bao gồm những lời mời tham gia kiếm tiền dễ dàng thường là dấu hiệu cảnh báo. Không có hình thức kiếm tiền nào là đơn giản và nhanh chóng như vậy. Bên cạnh đó, việc yêu cầu tải ứng dụng Telegram hay bất kỳ ứng dụng nào khác cần được xem xét kỹ lưỡng. Hầu hết các hình thức lừa đảo hiện nay đều sử dụng nền tảng ứng dụng để thực hiện kế hoạch của mình.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần chủ động xác minh danh tính đối tượng trước khi chuyển tiền; không chia sẻ thông tin nhạy cảm; không truy cập các đường dẫn lạ hay tải về ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh hình thức lừa đảo dụ xem phim, bình chọn online để được trả phí, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân cảnh giác với việc dùng AI mạo danh người nổi tiếng để lừa đảo trên mạng xã hội. Theo Cục, hình thức lừa đảo này thường sử dụng các trang mạng xã hội có thểm chữ “official”, “FC” hay dấu tích xanh giả cạnh tên nghệ sĩ để dẫn dụ các nạn nhân.

ga-mao-nghe-si-1729484631.jpg
Diễn viên Khôi Trần bị giả mạo Facebook, bị kẻ giả mạo "Nguyên Văn Sơn" sử dụng AI để tạo ra hình ảnh, video call để lừa đảo Facebook.

Diễn viên Khôi Trần mới đây đã bị đối tượng "Nguyễn Văn Sơn" dùng hình ảnh và lập tài khoản Facebook giả để lừa đảo người dùng. Đáng lưu ý, đối tượng này còn sử dụng AI giả mạo hình ảnh, giọng nói và gọi video call để tạo dựng niềm tin với các nạn nhân, sau đó lừa họ chuyển tiền.

Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dùng không làm theo hướng dẫn, không chuyển tiền cho các đối tượng lạ, không truy cập vào các đường dẫn lạ cũng như không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu… cho người lạ.

Liên quan tới các hình thức lừa đảo mạng trong nước tuần qua, Cục An toàn thông tin cũng cảnh báo người dùng về việc mạo danh nhân viên Google đánh cắp tài khoản Gmail. Cục khuyến nghị người dùng kiểm tra kỹ đường dẫn, địa chỉ email; hạn chế chia sẻ dữ liệu cá nhân nhạy cảm trên mạng; không truy cập vào đường link lạ và không làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ. Ngoài ra, khi nhận được các tin nhắn hay cuộc gọi đáng ngờ, người dùng cần chặn ngay và trình báo lực lượng chức năng về địa chỉ email, số điện thoại nghi ngờ lừa đảo để được xác minh, ngăn chặn.