Bảo quản không đúng có thể gây ngộ độc
Sau Tết, nhiều người bắt đầu chia sẻ với nhau những cách để bảo quản bánh chưng, bánh tét, bởi không ít gia đình vẫn còn dư nhiều bánh. Việc bỏ đi sẽ lãng phí, nhưng nếu không bảo quản đúng cách, bánh sẽ không giữ được lâu, còn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, với sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm cùng với thời tiết nồm ẩm của mùa Xuân miền Bắc, bánh chưng rất dễ bị ôi thiu hoặc mốc. Nấm mốc sẽ sản sinh ra các độc tố, đặc biệt là aflatoxin. Đây là một loại độc tố rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương gan, thậm chí dẫn đến ung thư gan nếu tiêu thụ lâu dài.
![banh-chung-4-1738831189.jpg](https://dothi.reatimes.vn/uploads/images/2025/02/06/banh-chung-4-1738831189.jpg)
Việc ăn phải bánh chưng mốc có thể gây các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn... Các triệu chứng thường gặp khi ăn bánh chưng mốc bao gồm ngộ độc thực phẩm và tổn thương gan.
Một số người khi phát hiện bánh chưng có dấu hiệu mốc thường cắt bỏ phần mốc và giữ lại phần còn lại để ăn hoặc rán lên. Tuy nhiên, dù cắt bỏ phần mốc, độc tố có thể đã lan rộng vào các phần khác của bánh nên toàn bộ bánh không còn an toàn để ăn.
Do đó, cứ đến thời điểm này hàng năm, các phương pháp bảo quản bánh chưng, bánh tét lại thu hút sự quan tâm của nhiều người. Năm nay, có một cách bảo quản đang trở nên phổ biến hơn cả. Cách này khá mới mẻ và đã được chia sẻ rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo các video hướng dẫn và chia sẻ trên mạng, bánh chưng, bánh tét được bóc hết vỏ lá, cắt thành miếng nhỏ, bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, rồi cho vào ngăn đông tủ lạnh để bảo quản lâu dài.
Việc cất bánh chưng vào tủ lạnh không phải mới, nhưng nếu bảo quản cả chiếc bánh lớn thì khi lấy ra ăn sẽ mất nhiều thời gian rã đông. Cắt thành miếng nhỏ vừa dễ dàng sắp xếp trong tủ lạnh vừa tiết kiệm thời gian rã đông. Hơn nữa, nếu không ăn hết một chiếc bánh lớn, bạn có thể chỉ lấy một hoặc hai miếng tùy theo nhu cầu.
![banh-chung-1-1738831075.jpg](https://dothi.reatimes.vn/uploads/images/2025/02/06/banh-chung-1-1738831075.jpg)
![banh-chung-2-1738831075.jpg](https://dothi.reatimes.vn/uploads/images/2025/02/06/banh-chung-2-1738831075.jpg)
Trào lưu mới trên mạng xã hội
Cách bảo quản này đang được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội, trở thành một trào lưu mới. Tài khoản Thanh Xuân chia sẻ, đã học cách chia nhỏ bánh, bọc màng thực phẩm rồi cấp đông. Khi ăn, chỉ cần hấp lại hoặc dùng nồi chiên không dầu, bánh vẫn dẻo như mới.
Còn tài khoản Trọng Thị Hiền Thảo cho hay, trước đây thường để nguyên đòn bánh tét vào ngăn đá của tủ lạnh. Sau khi tham khảo cộng đồng mạng, chị thử cách cắt bánh thành từng lát vừa ăn, bọc màng thực phẩm rồi cấp đông. Cách này giúp bảo quản dễ dàng và bánh rã đông nhanh hơn. Tuy nhiên, chị cũng nhận xét phương pháp này tốn khá nhiều màng bọc thực phẩm và có ảnh hưởng đến môi trường.
Chị Thảo đã sáng tạo ra cách khắc phục bằng cách bỏ bánh tét vào ngăn mát tủ lạnh vài giờ cho cứng lại, dễ cắt mà không bị dính dao. Sau đó, chị bóc bớt lá bên ngoài, giữ lớp lá trong cùng rồi cắt thành lát vừa ăn, xếp vào hộp kín hoặc túi zip trước khi cấp đông. Khi ăn, chỉ cần lắc nhẹ là bánh dễ dàng rơi ra và lớp lá mỏng cũng dễ dàng bỏ đi.
![banh-chung-3-1738831075.jpg](https://dothi.reatimes.vn/uploads/images/2025/02/06/banh-chung-3-1738831075.jpg)
Ngoài việc bảo quản, không ít người còn sáng tạo các cách chế biến lại bánh chưng, bánh tét. Ngoài rán giòn, bánh có thể nấu nhuyễn, rồi đun đến khi tạo thành tấm dẹt như cơm cháy. Một số người thử dùng lò vi sóng, nồi chiên không dầu hoặc nồi hấp để bánh giữ được hương vị thơm ngon.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu muốn bảo quản bánh chưng, bánh tét lâu dài, có thể để chúng trong tủ đông ở nhiệt độ -18°C, giúp duy trì chất lượng bánh từ 1 đến 2 tháng. Trước khi cấp đông, nên bọc bánh kín bằng màng bọc thực phẩm hoặc túi hút chân không để tránh mất nước và nhiễm mùi từ các thực phẩm khác trong tủ lạnh.
Khi sử dụng, cần rã đông đúng cách bằng cách chuyển bánh xuống ngăn mát vài giờ hoặc để qua đêm trước khi làm nóng. Nên hấp hoặc luộc lại bánh để giữ độ mềm và độ dẻo của nếp. Đặc biệt, không nên cấp đông lại bánh sau khi đã rã đông để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, bác sĩ Ngô Thị Hà Phương - Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, hạn chế rán bánh vì điều này có thể làm tăng lượng chất béo không có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, cần lưu ý bảo quản thực phẩm chín riêng biệt với thực phẩm sống để tránh nhiễm khuẩn.
Với những phương pháp bảo quản hợp lý, bánh chưng, bánh tét không chỉ được giữ lâu mà còn rất tiện lợi khi sử dụng, phù hợp với cuộc sống hiện đại.