Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, cơ quan này đang Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nội dung nổi bật trong đó, đề xuất mức phạt tiền từ 10 triệu - 1 tỷ đồng đối với tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản (chủ đầu tư) vi phạm quy định về đất đai.
Các hành vi sẽ bị xử phạt bao gồm: Không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất; Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho những đối tượng trên tự nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Mức phạt tiền vi phạm tuỳ thuộc theo từng thời gian, số lượng căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất cụ thể như sau:
Sau 50 ngày đến 6 tháng: Đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất phạt tiền từ 10-30 triệu đồng. Trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100, phạt từ 30-50 triệu đồng. Đối với trường hợp vi phạm từ 100 trở lên, mức phạt từ 50-100 triệu đồng.
Trên 6 tháng đến 9 tháng: Đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất phạt tiền từ 30-50 triệu đồng. Với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100, số tiền phạt từ 50-100 triệu đồng. Đối với trường hợp vi phạm từ 100 trở lên phạt tiền từ 100-300 triệu đồng.
Trên 9 tháng đến 12 tháng: Đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất phạt tiền từ 50-100 triệu đồng. Trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 phạt tiền từ 100-300 triệu đồng. Đối với vi phạm từ 100 trở lên, mức phạt từ 300-500 triệu đồng.
Từ 12 tháng trở lên: Đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất phạt tiền từ 100-300 triệu đồng. Trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 số tiền phạt từ 300-500 triệu đồng. Với trường hợp vi phạm từ 100 trở lên, số tiền phạt lên đến từ 500 triệu-1 tỷ đồng.
Ngoài phạt tiền, chủ đầu tư còn phải khắc phục hậu quả. Cụ thể, đơn vị vi phạm nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Cũng theo dự thảo Nghị định, thời gian vi phạm được tính từ thời điểm chủ đầu tư bàn giao nhà ở, công trình xây dựng, đất cho người mua hoặc kể từ lúc bên thuê mua thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Với trường hợp chủ đầu tư đã khắc phục sai phạm sau thời hạn quy định tại khoản 7 Điều 26 của Luật nhà ở và khoản 4 Điều 13 của Luật kinh doanh bất động sản thì thời gian vi phạm tính đến ngày này.
Trường hợp trong một dự án chủ đầu tư vi phạm ở nhiều mức thời gian khác nhau đối với các căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất khác nhau thì tính tiền phạt theo từng mức phạt trên nhưng tổng số tiền phạt không được vượt quá 1 tỷ đồng.
Đồng thời, chủ đầu tư còn phải nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng đề xuất phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng đối với trường hợp không đủ điều kiện về chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án bất động sản theo quy định Luật Đất đai và các quy định khác của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở.
Cụ thể, nếu không đáp ứng điều kiện chuyển nhượng cho người sử dụng đất, chủ đầu tư buộc phải hoàn thành việc xây dựng kết cấu hạ tầng theo dự án đã được phê duyệt; hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai; buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.