Đất nền phía Nam: Thanh khoản lao dốc, chủ đầu tư chán nản

Quý III/2023, thanh khoản đất nền phía Nam vẫn chưa thể phục hồi, tỷ lệ hấp thụ thấp hơn cùng kỳ năm ngoài 88-89%.

Theo ghi nhận của phóng viên, quý III/2023, thanh khoản thị trường đất nền vẫn chưa thể phục hồi. Ở một số dự án mặc dù toạ lạc ở vị trí đẹp, có đầy đủ pháp lý nhưng tỷ lệ hấp thụ của thị trường vẫn kém so với kỳ vọng của nhiều chủ đầu tư.

Ông Lê Hải Châu - Chủ đầu tư một dự án đất nền tại tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, trong 3 tháng gần đây, đơn vị này tiêu tốn gần 500 triệu đồng để tổ chức các chương trình "site tour" dẫn khách từ TP Hồ Chí Minh xuống thăm quan thực tế dự án. Bên cạnh đó, đơn vị này còn chi rất nhiều tiền để mua quà tặng và chăm sóc khách hàng tiềm năng hàng ngày nhưng không mấy ai chốt hợp đồng mua bán.

Vị đại diện này cho biết, lượng khách hàng thực sự quan tâm đến dự án chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số khách hàng có thiện chí đã bỏ tiền ra để đặt cọc đất nhưng khi ký hợp đồng chính thức thì lại đổi ý, không muốn mua nữa.

“Từ đầu năm đến nay, doanh thu của công ty chúng tôi gần như bằng không nhưng vẫn phải tiếp tục bán tài sản, dự án để xoay sở. Tuy nhiên, việc bán tài sản, dự án ở thời điểm hiện tại không hề dễ dàng bởi vì người mua vẫn đang thận trọng với đầu tư bất động sản,đặc biệt là đầu tư vào phân khúc đất nền”, ông nói.

Tương tự, giám đốc một doanh nghiệp địa ốc ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, bối cảnh thị trường hiện nay rất khó để bán các sản phẩm đất nền vì thanh khoản rất thấp, số lượng nhà đầu cơ giảm đi rất nhiều vì khó dùng đòn bẩy tài chính. Theo vị giám đốc này, mặc dù buôn bán ế ẩm nhưng doanh nghiệp của ông vẫn còn may mắn vì vẫn còn tài sản để bán, chưa rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực tài chính.

Thanh khoản đất nền phía Nam đang giảm sâu. Ảnh: Batdongsan.com.vn

Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, thị trường đất nền phía Nam trong quý III/2023 vẫn chìm đắm trong sự trầm lắng. Cụ thể, trong quý vừa qua có 6 dự án đất nền mở bán, cung cấp ra thị trường 271 nền đất, giảm mạnh chỉ tương đương 21% so với cùng kỳ năm 2022. 

Lượng tiêu thụ mới trên thị trường trong quý ghi nhận mức giảm lần lượt là 82% và 88% so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Giao dịch tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2.

Mặt bằng giá sơ cấp không biến động so với lần mở bán trước đó nhưng ghi nhận mức tăng 1%-3% so với cùng kỳ. Các chính sách ưu đãi, chiết khấu tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.

Các sản phẩm thứ cấp có mức giảm giá trung bình 8-12% so với đầu năm 2023. Giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý.

Chỉ ra nguyên nhân khiến thanh khoản đất nền ảm đạm, một khảo sát mới đây của trang Batdongsan cho thấy, phần lớn môi giới cho rằng lý do khách hàng không xuống tiền mua đất nền ở thời điểm hiện tại là vì đang quan ngại về yếu tố pháp lý, giá đất nền quá cao và không tin tưởng vào tiềm năng sinh lời của loại hình này.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, đất nền vẫn đang là phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, lượng giao dịch đất nền vẫn chưa được cải thiện chủ yếu vì những quan ngại về tính pháp lý và giá bán chưa phù hợp. Bên cạnh đó, mức độ quan tâm đến phân khúc này ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Theo vị chuyên gia này, nhìn vào những yếu tố như tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng - đầu tư công, cơ sở pháp lý, tâm lý thị trường thì đất nền có thể phục hồi chậm hơn các phân khúc khác. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, phân khúc này sẽ xuất hiện tín hiệu đảo chiều.

Giới chuyên gia của DKRA Việt Nam đưa ra dự báo, nguồn cung đất nền phía Nam trong quý IV/2023 sẽ tăng nhẹ so với quý III/2023, dao động ở mức 350-420 sản phẩm. Nguồn cung sẽ tập trung chủ yếu ở vùng phụ cận TP Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Tây Ninh,... các khu vực còn lại tiếp tục tình trạng khan hiếm nguồn cung mới.

Sức cầu chung của thị trường dự kiến tăng nhẹ so với quý III/2023, tuy nhiên khó có những đột biến trong ngắn hạn. Thanh khoản thị trường thứ cấp vẫn ở mức trung bình, giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án hoàn thiện hạ tầng, pháp lý. Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động, các chính sách ưu đãi, chiết khấu tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.