Đấu thầu vàng miếng SJC trở lại sau 11 năm tạm ngưng

Trước tình hình biến động vàng thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho đấu thầu vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung cho thị trường. Sau 11 năm tạm ngưng, vàng miếng đã được lên kế hoạch đấu giá trở lại. Hiện có 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
dau-thau-vang-2-1713235558.jpg
Ngân hàng Nhà nước sẽ mở lại đấu thầu vàng miếng SJC

Ngày 15/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ tăng cung vàng miếng ra thị trường trong tuần này thông qua đấu thầu. Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi thông báo đấu thầu cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trước 1 ngày. Muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu, các doanh nghiệp phải đặt cọc để tham gia đấu thầu.

Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị tham gia đấu thầu có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Kết quả sẽ được Ngân hàng Nhà nước công bố sau 1 tiếng đóng thầu.

Hiện có 26 đơn vị thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước, trong đó bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng. Có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.

Ngày 28/3/2013, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng trong năm 2013. Thời điểm đó, trên 1,8 triệu lượng vàng đã được bán ra.

Khi ấy, giá vàng miếng SJC đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng. Còn hiện tại, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC  trong nước và thế giới đã lên khoảng 12,5 - 13 triệu đồng/lượng.

dau-thau-vang-1713235558.png
Biến động giá vàng tính đến 14h30 ngày 15/4/2024

Mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp và thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc để ổn định thị trường

Theo đó, Ngân hành nhà nước sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới đối với vàng miếng. Còn với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, cơ quan này tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tính minh bạch. Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành liên quan đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4.

Những kênh đầu tư thu hút nhiều người "xuống tiền" với mục tiêu cất giữ hay thu lời từ các khoản nhãn rỗi là gửi tiết kiệm, trái phiếu, vàng, chứng khoán hay bất động sản. Trong 3 tháng đầu năm nay, vàng sinh lời tốt nhất trong số các kênh đầu tư trên khi tăng 15 - 22%.

dau-thau-vang-1-1713235558.png
Tỷ suất sinh lời của vàng vượt nhiều kênh đầu tư khác

Tỷ suất sinh lời của kim loại quý vượt xa lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng, đánh bại mức tăng gần 13% của VN-Index hay VN30-Index. Nếu so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường, mức tăng của vàng nhẫn từ đầu năm đánh bại 25/30 mã bluechip.

Ngay trong sáng nay (ngày 16/4), giá vàng miếng trong nước lập đỉnh mới khi lên tới 85,5 triệu đồng mỗi lượng, trong khi nhẫn trơn 24K cũng neo ở mức cao là 74,6 - 76,5 77 (tuần trước vàng nhẫn còn chạm ngưỡng 78 triệu đồng/lượng).

So với đầu năm, mỗi lượng vàng miếng tăng gần 15%, còn vàng nhẫn đắt thêm khoảng 22,3%. Đà tăng này của kim loại quý được thúc đẩy với nhiều yếu tố như nguồn cung eo hẹp của thị trường trong nước, nhu cầu tăng lên trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm, đặc biệt sự cộng hưởng với giá thế giới.