Đầu tư nước ngoài đổ vào chứng khoán châu Á tăng vọt bởi sức nóng của AI

Theo Reuters, các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ tiền vào chứng khoán châu Á. Điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán khu vực khôi phục mạnh mẽ, giá cổ phiếu công nghệ tăng vọt sau những nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của AI.

Dữ liệu từ các sàn giao dịch chứng khoán ở Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 10,82 tỷ USD cổ phiếu khu vực vào tháng 2/2023 Trước đó, thị trường chứng kiến việc bán hàng loạt cổ phiếu trị giá gần 779 triệu USD vào tháng 1.

chung-khoan-chau-a-1709889076.jpg
Các nhà đầu tư đang đổ tiền vào thị trường chứng khoán châu Á khi mối quan tâm về trí tuệ nhân tạo vẫn đang rất "nóng".

Chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương cũng đã hồi phục đáng kể với mức tăng trưởng 4%, bù đắp cho sự sụt giảm của tháng 1. Các nhà đầu tư đang chuyển trọng tâm giao dịch sang các công ty châu Á trước lo ngại về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay và những bất ổn về kinh tế chung.

Trong đó, phần lớn dòng vốn đổ vào Hàn Quốc và Đài Loan – các trung tâm công nghệ hàng đầu của khu vực, lần lượt với số tiền đầu tư lên tới 6,1 tỷ USD và 3,7 tỷ USD.

Theo giới quan sát, sức nóng của trí tuệ nhân tạo chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 2. Các nhà đầu tư vẫn tập trung vào nhóm các cổ phiếu của công ty bán dẫn và trung tâm bán dẫn trong khu vực thời gian tới.

ai-1709889293.jpg
Cổ phiếu của các công ty bán dẫn châu Á vẫn đang thu hút các nhà đầu tư quốc tế do sự phát triển mạnh mẽ của AI thời gian qua.

Trong khi đó, chứng khoán Indonesia, Ấn Độ, Phillipines và Thái Lan có mức thu hút đầu tư lần lượt là 647 triệu USD, 186 triệu USD, 129 triệu USD và 93 triệu USD. 

Ở chiều ngược lại, tại thị trường chứng khoán của Việt Nam lại chứng kiến dòng vốn chảy ra ngoài ở mức 59 triệu USD, trái ngược với mức mua ròng 48 triệu USD trong tháng trước.

Theo Jason Lui, chuyên gia về chiến lược vốn cổ phần và phái sinh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại BNP Paribas cho rằng, tình hình căng thẳng thương mại gia tăng và việc FED có khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng tới mức phân bổ cổ phiếu EM (thị trường mới nổi) ở châu Á. 

Liên quan đến việc sự phát triển của AI, theo Bloomberg, doanh thu của Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TCMS đã tăng 9,4% trong hai tháng đầu năm 2024, thúc đẩy làn sóng phát triển AI toàn cầu, từ đó giúp bù đắp những nguy cơ sụt giảm lợi nhuận tiềm ẩn do doanh số bán iPhone đang chậm lại.

Công ty chip lớn nhất châu Á báo cáo doanh thu đạt 397,4 tỷ Đài tệ (12,6 tỷ USD) từ tháng 1 đến tháng 2/2024. Điều này đã tác động một phần không nhỏ đối với việc thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài vào khu vực. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của công ty được ghi nhận từ khi OpenAI phát triển thành công ChatGPT cuối năm 2022, dẫn đến nhu cầu về chip AI tăng vọt trên toàn cầu. Nhà sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới được coi là một trong những người hưởng lợi lớn từ sự gia tăng phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn.