Đề xuất nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 500.000 đồng/tháng

Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đang đề xuất nâng chuẩn trợ cấp mỗi tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng, đồng thời xây dựng hoàn thiện chính sách, mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn.

Mới đây, ông Tô Đức - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết, giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ nâng mức trợ cấp với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất nâng chuẩn trợ cấp mỗi tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng. Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định, mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng.

bao-tro-xa-hoi-1715317017.jpg
Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất nâng chuẩn trợ cấp mỗi tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng

Như vậy, trường hợp tăng lên 500.000 đồng/tháng, ngân sách dự kiến sẽ chi khoảng 37.000 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện luôn từ ngày 1/7 tới thì kinh phí phát sinh thêm 4.700 tỷ đồng. Còn nếu tăng lên 750.000 đồng, ngân sách dự kiến chi 54.000 tỷ đồng/năm.  Nếu thực hiện luôn từ ngày 1/7 tới, kinh phí bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.

Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cho biết, thời điểm hiện tại, đã có 14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp xã hội cao hơn mức quy định và 32 tỉnh, thành phố nới rộng thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Những tháng đầu năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện chi trả trợ cấp xã hội đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Riêng tháng 4/2024, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội cho khoảng 3,387 triệu người (chiếm khoảng 3,38% dân số). Trong đó có 1,667 triệu người khuyết tật, 1,394 triệu người cao tuổi và 16 nghìn trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, 150 nghìn trẻ em hưởng chế độ dưới 3 tuổi, 80 nghìn người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi và khoảng 80 nghìn đối tượng khác.

Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho 389 nghìn hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội.

Kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp xã hội khoảng 2.250 tỷ đồng/tháng.

bao-tro-xa-hoi-1-1715317017.jpg
Từ đầu năm đến nay, 63/63 tỉnh/thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội

Từ đầu năm đến nay, 63/63 tỉnh/thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội. Tổng số đối tượng an sinh xã hội đã có tài khoản và mong muốn chi trả không dùng tiền mặt trong tháng 4 là 2.067.028 người, tăng 261.907 người so với tháng 3/2024. Trong đó, trên 1,4 triệu người đã được chi trả tiền trợ cấp qua tài khoản.

Bộ LĐ-TB&XH nhận định, việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh cho các đối tượng bảo trợ xã hội, từ đó ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và ổn định tình hình chính trị đất nước.

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội theo hướng nâng mức chuẩn trợ giúp, mở rộng đối tượng trợ giúp phù hợp với tình hình thực tiễn. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình, chính sách về trợ giúp xã hội, đặc biệt là Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các chính sách trợ giúp xã hội cũng sẽ được thực hiện đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt.