Đến hẹn lại lên, phụ huynh “đau đầu” với các khoản thu đầu năm học của con

Một vị phụ huynh chia sẻ, đi họp đầu năm cho con về, chị phát hoảng với hàng loạt các khoản thu. Tính ra, số tiền phải đóng dịp đầu năm học mới lên tới gần 5 triệu đồng. Những khoản theo quy định không nói, còn nhiều khoản thu dịch vụ và tự nguyện không hợp lý.

Choáng váng với các khoản thu

Khi năm học mới bắt đầu, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng, đau đầu về những khoản thu đầu năm mà con phải đóng. Không chỉ là khoản học phí cơ bản, phụ huynh còn phải đối mặt với hàng loạt khoản thu khác, từ tiền đồng phục, sách giáo khoa, đến các khoản phí dịch vụ bổ sung, phí ngoại khóa, tiền quỹ lớp… Việc này đã khiến nhiều gia đình gặp khó khăn, đặc biệt là những hộ có thu nhập thấp.

Chị Trần Thị Lan (Nam Định) chia sẻ, chị đã chuẩn bị sẵn một khoản tiền để chi trả học phí cho con, nhưng khi nhận danh sách các khoản thu đầu năm, chị đã choáng váng. Ngoài học phí theo quy định, chị còn phải đóng thêm các khoản như tiền học liệu, cơ sở vật chất, tiền bảo hiểm, phí vệ sinh và các hoạt động ngoại khóa… Tổng số tiền mà chị phải chi ra lên đến hàng triệu đồng, vượt xa dự kiến ban đầu.

thu-phi-dau-nam-1-1726981318.jpg
Phụ huynh đau đầu vì quá nhiều khoản phải đóng đầu năm học mới

Hay một phụ huynh có con học lớp 2 Trường Tiểu học Hải Thượng (Thanh Hóa) cho biết, các khoản thu dự kiến của nhà trường gồm: Thu theo quy định có tiền xe 135.000 đồng/em/năm, bảo hiểm y tế 885.000 đồng/em/năm. Các khoản thu đoàn thể gồm chữ thập đỏ 10.000 đồng, quỹ đội 30.000 đồng, kế hoạch nhỏ 15.000 đồng và tiền hồ sơ 30.000 đồng/em/năm.

Các khoản dịch vụ như thẻ học sinh 20.000 đồng/em/năm, sổ liên lạc điện tử 50.000 đồng, nước uống 100.000 đồng, tiếng Anh (10 nghìn đồng/tiết x 70 tiết) 700.000 đồng, kỹ năng sống (10.000 đồng/tiết x 35 tiết) 350.000 đồng.

Bên cạnh đó, còn có các khoản tự nguyện như quỹ phụ huynh 50.000 đồng, quỹ lớp 200.000 đồng, xã hội hóa 250.000 đồng, tiền vệ sinh 117.000 đồng, bảo hiểm thân thể 100.000 đồng, tiền tăng buổi (15.000 đồng/buổi) 1.575.000 nghìn đồng.

Vị phụ huynh này chia sẻ, đi họp phụ huynh về, chị phát hoảng với hàng loạt các khoản thu. Tính ra, số tiền phải đóng dịp đầu năm học mới cho con là lên tới gần 5 triệu đồng. Chị bảo, những khoản theo quy định không nói, còn nhiều khoản thu dịch vụ và tự nguyện không hợp lý.

Bức xúc vì nhiều khoản không hợp lý

Đối với nhiều phụ huynh, việc chi trả những khoản thu đầu năm không chỉ là gánh nặng tài chính, mà còn gây ra không ít bức xúc. Một trong những vấn đề khiến phụ huynh băn khoăn là sự thiếu minh bạch trong các khoản thu.

Nhiều trường không giải thích rõ về các khoản phí, khiến phụ huynh không hiểu vì sao họ phải đóng nhiều đến vậy. Điều này dẫn đến tình trạng không ít người cảm thấy bức xúc, nhưng lại không biết phải phản ánh thế nào, hoặc ngại ngần không muốn đối đầu với nhà trường.

thu-phi-dau-nam-1726981318.jpg
Phụ huynh đã phản ứng lại với khoản thu "bảo trì tivi" với mức 100.000 đồng/học sinh/năm

Như tại Trường Tiểu học - THCS - THPT Hồng Bàng (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), phụ huynh đã phản ứng lại với khoản thu "bảo trì tivi" với mức 100.000 đồng mỗi học sinh mỗi năm. Nhiều phụ huynh cho rằng, trường có "dấu hiệu lạm thu" đầu năm học.

Ngày 17/9, ông Đỗ Đăng Bảo Linh - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, cho biết đã chỉ đạo trường ngừng thu khoản phí này. Sở cũng nhắc nhở các trường học khác trên địa bàn việc thu phí, vận động quỹ phụ huynh đúng quy định, tránh "lạm thu".

Là đô thị lớn của cả nước, Hà Nội cũng không tránh khỏi việc phụ huynh bức xúc các khoản thu đầu năm. Nhằm hạn chế tình trạng này, Sở Giáo dục Hà Nội đã lưu ý tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.

Theo đó, ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được phép thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của chính ban đại diện và tuyệt đối không được thu các khoản sau: Phí bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, đảm bảo an ninh trường học; phí trông coi phương tiện giao thông của học sinh; phí vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; tiền thưởng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; chi phí mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; chi phí sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình của trường học.

Việc thu và chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh cần tuân thủ nguyên tắc công khai và dân chủ. Sau khi tiến hành các khoản chi tiêu, cần công khai báo cáo quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh trong từng lớp, cũng như trong các cuộc họp của ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Đặc biệt, không được áp đặt mức ủng hộ kinh phí bình quân cho các phụ huynh.

Chị Nguyễn Phương Thảo (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, chị hoàn toàn ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu chi của các trường vào đầu năm học. Bởi nhiều gia đình có con trong độ tuổi đến trường như chị cảm thấy rất lo lắng và áp lực mỗi khi họp phụ huynh đầu năm. Thường xuyên nghe nhà trường công bố học phí, rồi lại vận động phụ huynh, phát đơn tự nguyện xin cho con học thêm…

Không riêng chị Thảo, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, việc yêu cầu đóng góp quá nhiều khoản tiền vào đầu năm là một gánh nặng không chỉ về tài chính mà còn về tâm lý. Đặc biệt, với những gia đình có từ 2 - 3 con đi học cùng một lúc, việc chi trả hàng chục triệu đồng cho các khoản phí này là điều rất khó khăn. Có phụ huynh còn phải vay mượn, thậm chí rút tiền từ khoản tiết kiệm để đảm bảo con em mình có thể bước vào năm học mới một cách trọn vẹn.

Có thể thấy, vấn đề các khoản thu đầu năm học mới không chỉ là câu chuyện của một vài gia đình mà còn là vấn đề chung của toàn xã hội. Để giải quyết triệt để, cần có sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và các cơ quan quản lý giáo dục. Chỉ khi có sự minh bạch, công khai và lắng nghe ý kiến từ phía phụ huynh, các khoản thu đầu năm học mới sẽ không còn là gánh nặng quá lớn, giúp phụ huynh an tâm hơn khi chuẩn bị cho con em mình một năm học mới đầy hứng khởi.