Đến lượt hệ thống của Vietnam Post dính mã độc tống tiền

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) vừa xác nhận việc bị tấn công vào hệ thống bằng mã độc tống tiền (Ransomware) từ sáng ngày 4/6 và cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa được khắc phục. Nhiều người dùng chia sẻ những bất tiện khi không thể truy cập tạo đơn, theo dõi đơn hàng trên hệ thống…

Theo Vietnam Post, mặc dù hệ thống công nghệ thông tin bị dính mã độc nhưng đơn vị vẫn nỗ lực để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới các dịch vụ tài chính bưu chính, hành chính công và phân phối hàng hóa.

Do có sự phòng ngừa, chuẩn bị từ trước theo sự hướng dẫn của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) ngay sau khi phát hiện sự cố, Vietnam Post đã kích hoạt các kịch bản đối phó, ngắt kết nối các hệ thống công nghệ để cô lập sự cố và bảo vệ dữ liệu. Bởi vậy, hiện tại các website có chứa tên miền vnpost.vn và các ứng dụng liên quan vẫn tạm thời bị gián đoạn.

Vietnam Post gửi lời xin lỗi tới các khách hàng và đối tác vì sư gián đoạn không mong muốn. Đơn vị cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.

vnpost-1717489881.jpg
Website của Vietnam Post vẫn chưa thể truy cập được tính đến chiều ngày 4/6/2024.

Theo ghi nhận của PV, tính tới thời điểm chiều ngày 4/6, toàn bộ hệ thống thông tin của Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) vẫn tiếp tục không thể truy cập được. Trong đó bao gồm website của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vietnampost.vn, sàn TMĐT của Bưu điện Việt Nam tmdt.vnpost.vn, và tất cả các website của bưu điện 63 tỉnh thành với định dạng tên miền .vnpost.vn đều trong tình trạng không thể truy cập. Hệ thống thông tin liên quan hành chính công do Vietnam Post (https://hcc.vnpost.vn) đảm trách cũng tê liệt.

Trước đó, theo phản ánh của người dùng, từ sáng sớm hôm nay, khi đăng nhập vào ứng dụng để tạo đơn hàng, nhiều người dùng đã không thể vào được. Tình trạng vẫn kéo dài cho đến trưa cùng ngày.

“Bình thường, mình vẫn vào tạo đơn rất nhanh nhưng hôm nay mấy lần vào vẫn không thể được, hệ thống toàn báo lỗi, sau đó phải chuyển sang sử dụng dịch vụ của bên khác”, chị Mai – một chủ shop thời trang online tại Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.

“Thông thường, mỗi ngày mình gửi đi rất nhiều đơn hàng, trong đó có rất nhiều đơn quan trọng, muốn theo dõi xem hàng đi đến đâu để nhắc khách, nhưng hôm nay không thể vào được ứng dụng nên rất sốt ruột”, anh Hoàng – chủ một shop bán đồ điện tử online tại quận Thanh Xuân cũng cho biết thêm.

vnpost-1717489979.jpg
Khách hàng không thể tra cứu vận đơn, theo dõi đơn hàng, tạo đơn mới trên ứng dụng của Vietnam Post.

Như vậy, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã trở thành nạn nhân tiếp theo trong các đợt tấn công bằng mã độc tống tiền của tội phạm mạng. Trước đó, hệ thống công nghệ thông tin của chứng khoán VNDirect, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và nhiều doanh nghiệp khác cũng bị tấn công theo hình thức này và cũng phải mất khá nhiều thời gian mới có thể khôi phục lại hoàn toàn.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2024, các cuộc tấn công mạng được dự đoán sẽ gây ra thiệt hại tới 42 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Đã có tới 66% các tổ chức trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng bằng ransomware.

Tại Việt Nam, Cục An toàn thông tin cũng đã có cảnh báo về xu hướng tân công mạng, đặc biệt là tấn công bằng mã độc tống tiền ngày càng tăng cao trong năm 2024. Các số liệu thống kê cho thấy, có tới 83.000 máy tính, máy chủ ghi nhận bị tấn công bởi mã độc tống tiến, tăng 8,4% so với năm 2022. Riêng quý IV/2023, số cuộc tấn công bằng ransomware đã vượt 23% so với trung bình 3 quý trước đó. Cục cũng đã có những biện pháp hướng dẫn tới các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, thực hiện triển khai các biện pháp phòng ngừa, có các kịch bản đối phó khi bị ransomeware tấn công, đồng thời yêu cầu người dùng nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hiện các thao tác, biện pháp tự bảo mật cần thiết trên thiết bị sử dụng.