Vừa qua, tại ĐH Quốc gia TP. HCM đã diễn ra phiên họp lần thứ 22 khóa IV. Tại đây, Hội đồng nhà trường đã nghe, thảo luận chủ trương đề xuất triển khai dự án Đầu tư xây dựng NOXH cho sinh viên. Với 100% ý kiến đồng thuận, dự án này đã được thông qua chủ trương đầu tư.
Theo báo cáo, từ năm 2001 – 2009, ĐH Quốc gia TP. HCM đã thực hiện đầu tư xây dựng 2 khu ký túc xá sinh viên với tổng diện tích 42,08ha. Khu ký túc xá được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính Phủ.
Trong đó, ký túc xá khu A gồm 24 tòa nhà cao 5 tầng với sức chứa 12.000 chỗ ở cho sinh viên. Khu A nằm gần tuyến Metro số 1. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát hồi cuối tháng 5/2021, nơi đây được TP. HCM trưng dụng làm điểm cách ly tập trung. Ký túc xá khu B có sức chứa 40.000 chỗ ở cho sinh viên với 19 khối nhà cao từ 12 - 16 tầng, được đưa vào sử dụng từ năm 2012.
Dự báo trong thời gian tới, khi tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên (chạy ngang qua ĐH Quốc gia TP. HCM) đưa vào vận hành, khai thác sẽ khiến cho nhu cầu đi lại, tìm chỗ ở của sinh viên sẽ tăng cao. Sinh viên sống nội trú trong ký túc xá sẽ được hưởng nhiều lợi ích và cơ hội trải nghiệm so với những sinh viên thuê nhà bên ngoài.
Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Thành viên Hội đồng – PGS. TS Huỳnh Thành Đạt cho hay, việc xây dựng dự án NOXH là việc làm hoàn toàn đúng đắn, góp phần đáp ứng nhu cầu ăn ở và sinh hoạt của sinh viên, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên ĐH Quốc gia TP. HCM cần đánh giá thực trạng ký túc xã hiện nay và các quy định xây dựng NOXH dành cho sinh viên. Bên cạnh đó khảo sát nhu cầu thực tế về chỗ ở của sinh viên trong quá trình thực hiện dự án.
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án này. Ông Minh cho rằng cần nghiên cứu cách tiếp cận các nguồn lực để thực hiện dự án hiệu quả.
Dự án NOXH được kỳ vọng sẽ hỗ trợ và giải quyết nhu cầu ở, sinh hoạt cho sinh viên, tạo môi trường học tập thuận lợi, an toàn, giúp sinh viên tập trung vào học tập, tạo cơ hội giao lưu rèn luyện bản thân, tiết kiệm chi phí so với thuê trọ bên ngoài. Ngoài ra việc đầu tư xây dựng dự án mới sẽ góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất và đầu tư xây dựng công trình đáp ứng theo lộ trình chiến lược phát triển Khu đô thị ĐH Quốc gia TP. HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
ĐH Quốc gia TP. HCM là một trong hai hệ thống ĐH Quốc gia của Việt Nam có trụ sở tại TP. HCM. Trường được đánh giá là một trong 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới.
Năm 2023, ĐH Quốc gia TP. HCM xếp ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng của VietNam University Ranking năm 2023 (VNUR), chỉ đứng sau Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2024, ĐH Quốc gia TP. HCM cũng là một trong 5 đại diện của Việt Nam lọt top Bảng xếp hạng ĐH Thế giới QS World Rankings cùng với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
ĐH Quốc gia TP. HCM chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ với các chương trình giáo dục đại học, sau đại học, nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ… đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục ĐH ở Việt Nam.
ĐH Quốc gia TP. HCM thành lập ngày 27/1/1995, ban đầu có 9 trường ĐH thành viên. Trường chính thức ra mắt vào tháng 2/1996 với quy mô 643,7ha thuộc TP. Thủ Đức (TP. HCM) và TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Hiện nay trường có 7 trường ĐH thành viên: ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH An Giang. Ngoài ra còn có 2 khoa trực thuộc là Khoa Y, Khoa Chính trị - Hành chính và Phân hiệu ĐH Quốc gia TP. HCM tại tỉnh Bến Tre.