Giảm rác thải nhựa từ thương mại điện tử bằng “Bưu chính xanh”

Nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, nhất là trong ngành thương mại điện tử, Vụ Bưu chính cho biết sẽ tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành quy định về “Bưu chính xanh”.

Mấy năm gần đây, thương mại điện tử ở nước ta phát triển mạnh mẽ. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị giao dịch thương mại điện tử của nước ta ước đạt 13,2 tỷ đô, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD. Năm 2025, dự kiến quy mô thị trường sẽ tăng lên 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng.

rac-thai-nhua-1721302956.jpg
Thương mại điện tử làm phát sinh lượng lớn bao bì, rác thải nhựa dùng để gói hàng

Thương mại điện tử tăng trưởng giúp lưu thông hàng hóa xuyên biên giới, tuy nhiên cũng gây ảnh hưởng tới môi trường, đặc biệt là phát sinh lượng lớn bao bì, rác thải nhựa dùng để gói hàng và đựng đồ ăn nhanh. Báo cáo chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2023 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã chỉ ra rằng, một trong những tác động tiêu cực lớn nhất của thương mại điện tử đến môi trường là làm tăng rác thải bao bì.

Khảo sát cho thấy, 90% thương nhân kinh doanh trong lĩnh vực thời trang, quần áo, phụ kiện sử dụng hộp carton, túi ni-lông để đóng hàng. Phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và ni-lông bong bóng khí cùng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa. Với đồ ăn giao nhanh, hầu như bao bì và vật liệu đi kèm như thìa, dĩa… là nhựa. Khối lượng bao bì trung bình cho mỗi đơn đồ ăn là 63g và đồ uống là 45g…

Năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam đã dùng tới 332 nghìn tấn bao bì, trong đó đồ nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Đáng nói, số lượng bao bì nhựa này phần lớn thải ra môi trường, làm tăng ô nhiễm nhựa - vấn đề môi trường nghiêm trọng thứ hai trên thế giới sau biến đổi khí hậu. Do đó, cần có chiến lược giảm thiểu tác động môi trường trong kinh doanh thương mại điện tử.

Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030 xác định, xu hướng phát triển xanh và bền vững đang trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh của thế giới. Trong đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp là lực lượng chính trong phát triển thương mại điện tử bền vững, còn nhà nước đóng vai trò quản lý, xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững này.

rac-thai-nhua-1-1721302956.jpg
Hộp xốp, hộp nhựa sử dụng một lần tạo "gánh nặng" cho môi trường

Đại diện Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng chia sẻ, mục tiêu phát triển kép là muốn phát triển nhanh thì chuyển đổi số, muốn bền vững thì chuyển đổi xanh. Việc lạm dụng các vật liệu nhựa sử dụng một lần, đặc biệt trong thương mại điện tử đang tạo ra gánh nặng cho môi trường, ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ sau.

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của rác thải nhựa từ thương mại điện tử nói chung, hoạt động đóng gói nói riêng, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất một số giải pháp như quy định hạn chế tiến đến không sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần cho đóng gói sản phẩm, thay thế bằng carton và vật liệu phân huỷ sinh học.

Cùng với đó, thiết kế tối ưu đóng gói để tiết kiệm vật liệu, giảm rác thải. Thực hiện hướng dẫn cũng như quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp chuyển phát trong việc tự nguyện áp dụng hoặc bắt buộc tuân thủ những tiêu chuẩn đóng gói thân thiện với môi trường, quy trình thu hồi tái chế, logistics ngược. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền nhận thức người dân xây dựng thói quen sử dụng vật liệu thân thiện.

Đại diện Vụ Bưu chính thông tin thêm, khi xem xét sửa đổi Luật Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn, quy định, hướng dẫn từ Liên minh Bưu chính Thế giới UPU cùng một số nước khác để chắt lọc, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành quy định về “Bưu chính xanh”, qua đó góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.