Tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà cao gấp đôi so với ngoài trời

Báo cáo toàn cầu của WHO về mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người xuất bản năm 2016 cho thấy, tỷ lệ tử vong do phơi nhiễm không khí độc trong nhà cao gấp đôi so với phơi nhiễm ngoài trời.

Thời gian qua, ô nhiễm không khí đã trở thành vấn đề cấp thiết cần được giải quyết, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM. Theo WHO, ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng". Ước tính có khoảng 30% trường hợp tử vong do ung thư phổi và khoảng 43% các trường hợp tử vong do bệnh lý về hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Tại Hà Nội, vào tháng 3 vừa qua, các chỉ số ô nhiễm không khí đều đạt ngưỡng cực đại gây nguy hại tới sức khỏe con người. Thành phố luôn ở vị trí top đầu những đô thị ô nhiễm nhất thế giới.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, gần 35% bụi mịn tại Hà Nội đến từ ngành công nghiệp (gồm các nhà máy điện và khu công nghiệp lớn quanh thành phố) và khoảng 25% đến từ giao thông (khoảng 8 triệu xe).

o-nhiem-2-1717475706.png
Ô nhiễm không khí là tác nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm

Còn tại TP. HCM, kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho thấy, vào cuối tháng 12/2023, bụi lơ lửng và bụi mịn trên địa bàn đã vượt chuẩn. Số liệu được IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) cập nhật ngày 4/6, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại TP. HCM hiện cao gấp 4,6 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.

Tuy nhiên, đây thường là các số liệu đánh giá chỉ số chất lượng không khí ngoài trời. Vậy trong nhà, ô nhiễm không khí có nguy hại thế nào?

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Lê - Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, nhắc đến ô nhiễm không khí, thông thường người dân chỉ chú ý tới ngoài trời mà ít để tâm tới trong nhà. Hiện nay, đến 80% thời gian mỗi ngày, cư dân thành phố sinh sống, làm việc và học tập tại các tòa nhà, cao ốc khiến tần suất tiếp xúc với những chất độc hại trong nhà tăng cao. Đồ gia dụng không được thường xuyên vệ sinh, vật liệu xây dựng không đảm bảo chất lượng, khí ga, nấm mốc... đều tạo ra ô nhiễm không khí trong nhà.

o-nhiem-3-1717475707.jpg
Những tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà

Còn Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Mạnh Cường - Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế dẫn chứng báo cáo toàn cầu của WHO về mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người xuất bản năm 2016 cho thấy, tỷ lệ tử vong do phơi nhiễm không khí độc trong nhà cao gấp đôi so với phơi nhiễm ngoài trời.

Các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) tồn tại với mật độ cao trong không gian kín có khả năng xâm nhập vào sâu bên trong phổi, các mạch máu, lâu dần sẽ gây viêm nhiễm và suy hô hấp.

Bà Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Việt Nam cũng ghi nhận ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm. Như vậy, trung bình cứ 7,5 giây lại có một người Việt tử vong vì một căn bệnh liên quan tới hô hấp do tiếp xúc với ô nhiễm không khí.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, đặc biệt ô nhiễm không khí trong nhà, về ngắn hạn, cần có giải pháp để hạn chế người bị phơi nhiễm và bảo vệ những người có nguy cơ cao. Với trung và dài hạn, phải giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân, ở trường hợp này là nguồn ô nhiễm bao gồm các vật dụng trong nhà. Người dân sử dụng các vật dụng an toàn, lành tính và thường xuyên dọn dẹp vệ sinh.

o-nhiem-1-1717475709.png
Để thực hiện hiệu quả các biện pháp chống ô nhiễm môi trường thì phải nâng cao nhận thức của người dân

Ông Hoàng Anh Lê nhận định, muốn thực hiện hiệu quả các biện pháp chống ô nhiễm môi trường thì việc nâng cao nhận thức của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Đây là phương án "thoát hiểm" hiệu quả nhất với vấn đề bảo vệ sức khỏe khỏi các tác hại của ô nhiễm không khí. Hiện nay, người dân Việt Nam vẫn chưa chú ý đến ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe, bởi ô nhiễm không tác động ngay mà "ăn mòn" sức khỏe theo giời gian.

Với việc ô nhiễm không khí ngày càng lan rộng trên cả nước, Bộ Y tế cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo như tránh các hoạt động ngoài trời trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí lên cao. Nếu buộc phải ra ngoài trong thời điểm này, người dân nên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe đạp, xe máy để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Các gia đình gần đường giao thông hay khu vực bị ô nhiễm nặng nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào. Người dân vệ sinh mũi, súc họng vào buổi sáng và tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ở ngoài đường về. Buổi tối trước khi đi ngủ nên tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý.