Đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí
Hôm nay (ngày 5/3), dù tiết trời Hà Nội đã hảnh nắng, nhưng sương mù vẫn bao phủ. Sương mù này được tạo thành phần nhiều do khí thải từ xe cộ và bụi mịn của các công trình xây dựng. Theo số liệu về chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) của IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới), hôm qua, Hà Nội đứng thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí (AQI ở mức 181).
Sang ngày hôm nay, chỉ số này còn tăng cao hơn là 241, đẩy Hà Nội lên vị trí đầu. Đáng chú ý, từ 3h sáng nay, chỉ số AQI trung bình ở Hà Nội đã trên 200 đơn vị. IQAir cũng đưa ra đánh giá về bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội hiện cao gấp 38,2 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam) cũng đưa ra chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội trong sáng nay dao động ở mức cao, trên 200 đơn vị. Đây là mức rất xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe tất cả mọi người. Thậm chí, tại khu vực Học viện Nông nghiệp Việt Nam (huyện Gia Lâm) còn ở mức cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe khi chỉ số AQI lên tới 404 đơn vị.
Còn theo dữ liệu từ AirVisual (cơ quan cung cấp thông tin ô nhiễm không khí toàn cầu), cuối ngày hôm qua (4/3), mức độ bụi mịn trong không khí ở Hà Nội ở mức 187 microgam/m3, cao nhất trong danh sách các thành phố bị ô nhiễm nhất trên thế giới.
Tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao tại Hà Nội cũng được nhiều trang báo lớn trên thế giới đăng tải. Theo đó, tờ Reuters của Mỹ đưa tin Hà Nội bị bao phủ trong sương mù dày đặc, làm giảm đáng kể tầm nhìn bởi ô nhiễm không khí do bụi từ khí thải xe cộ và bụi mịn từ các công trình xây dựng…
Tờ này cũng đưa thông tin báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2021 để dẫn chứng cho nguyên nhân ô nhiễm không khí tại Hà Nội có 30% là do khí thải từ 8 triệu phương tiện đã đăng ký của Hà Nội và 30% là do lượng khí thải công nghiệp.
Trong khi đó, tờ Euronews của Pháp cũng từng đăng tải 1 bài dài về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tệ đến mức các chuyến bay phải chuyển hướng do tầm nhìn kém. Cụ thể, khoảng 100 chuyến bay phải chuyển hướng hoặc hoãn tại sân bay Nội Bài sáng 2/2 do sương mù bao trùm Hà Nội.
Euronews cũng đưa ra một số nguyên nhân khiến không khí Hà Nội kém đến vậy, bao gồm xây dựng, giao thông đông đúc, sản xuất thép và xi măng, hoạt động của các nhà máy nhiệt điện...
Trang tin này cũng lấy dẫn chứng từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Theo đó, tại Hà Nội, gần 35% bụi mịn đến từ ngành công nghiệp (gồm các nhà máy điện và khu công nghiệp lớn quanh thành phố), khoảng 25% đến từ giao thông (khoảng 8 triệu xe đăng ký tại Hà Nội).
Cùng với đó, phát thải amoniac từ chăn nuôi và sử dụng phân bón chiếm 20% bụi mịn, khoảng 10% đến từ các nguồn sinh hoạt như nấu ăn bằng than củi... Chỉ số ô nhiễm còn lại đếm từ các hoạt động khác như đốt chất thải nông nghiệp, gió đưa ô nhiễm từ các siêu đô thị phía Nam Trung Quốc vào Hà Nội, tác động của không khí (lượng mưa thấp trong mùa đông, sự đảo ngược nhiệt độ trong thời gian ngắn) cũng tác động đến ô nhiễm không khí.
Hà Nội cần làm gì để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí?
Euronews phân tích, tình trạng ô nhiễm không khí đang có xu hướng tồi tệ hơn ở Hà Nội. Nhưng gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các kế hoạch nhằm giảm thiểu phát thải các-bon. Vào thàng 5/2023, Việt Nam tuyên bố sẽ không phát triển các nhà máy điện than mới sau năm 2030, dù cho đã có kế Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng thêm 10 nhà máy mới ở khu vực phía Bắc từ năm 2020. Theo kế hoạch mới, than sẽ chiếm 20% tổng nguồn năng lượng của đất nước vào năm 2030, mức hiện nay là 50%.
Nguồn tài trợ 15,5 tỷ USD từ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng liên chính phủ (do Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đồng chủ trì) cũng sẽ giúp Việt Nam hướng tới quá trình chuyển đổi xanh. Thủy điện là nguồn năng lượng lớn thứ hai của đất nước, dù hạn hán năm 2023 đã hạn chế sản xuất thủy điện.
Hà Nội cũng đang nhận sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới để giảm ô nhiễm không khí và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính như chuyển hướng sử dụng năng lượng than, giảm khí thải giao thông, cải thiện phương thức trồng trọt và chăn nuôi...
Một thông tin rất đáng quan tâm là dù lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đối với toàn cầu ở mức thấp (0,8%) nhưng đang tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới. Lượng khí thải CO2 bình quân đầu người đã tăng gấp 4 lần từ 0,79 tấn năm 2000 lên 3,81 tấn vào năm 2018.
Theo Euronews, chính quyền Hà Nội cũng đang cố gắng để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay. Mới đây, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội thông báo đang nghiên cứu các chính sách, biện pháp hướng dẫn nông dân cách giảm thiểu và tái sử dụng chất thải, phế phẩm nông nghiệp thay vì đốt bỏ.