Hàng Việt Nam chiếm 80% tại các chợ, cửa hàng, siêu thị

Năm 2009, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bắt đầu triển khai. Sau 15 năm, hàng Việt tại các chợ, cửa hàng, siêu thị… đều chiếm trên 80%, thực trạng đó cho thấy người Việt ngày càng tin dùng hàng Việt.
nguoi-viet-dung-hang-viet-1-1710126893.jpg
Hàng Việt xuất hiện ngày càng nhiều ở các siêu thị, cửa hàng...và nhận được sự đón nhận của đông đảo người tiêu dùng

Chị Lan Anh (quận Tân Bình, TP. HCM) sau khi mua xong thực phẩm cho bữa tối thì tạt qua quầy bày sữa trong siêu thị để lựa sữa cho con. Theo thói quen, chị nhặt 2 vỉ sữa TH đặt vào giỏ hàng rồi đi ra quầy thanh toán. Chị Lan Anh chia sẻ, không chỉ sữa mà bánh kẹo mua cho con ăn, chị cũng chọn hàng Việt. Chị thấy chất lượng các sản phẩm Việt hiện nay rất tốt, mẫu mã cũng đẹp.

Tương tự, chị Trần Phương Thảo (quận Gò Vấp, TP. HCM) cũng chọn một thương hiệu sữa bột của Việt Nam để mua cho con. Chị cho biết, con chị uống loại sữa này hợp, giá sữa cũng phù hợp với túi tiền.

Hiện nay, rất nhiều người Việt giống như chị Lan Anh và chị Thảo chọn hàng Việt để mua cho nhu cầu của gia đình. Có được thành công này có thể phải kể đến những nỗ lực cải thiện chất lượng của các nhà cung cấp sản phẩm.

Mới đây, Hội nghị Kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam đã được tổ chức ở TP. HCM. Tại hội nghị, những kết quả đã đạt được cùng những khó khăn còn tồn tại đã được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. HCM và các doanh nghiệp đưa ra trao đổi.

Về kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP.HCM – nhận định, hàng Việt đã chiếm trên 80% tại các chợ, cửa hàng, siêu thị… Điều này cho thấy người dân đã dần thay đổi thói quen “chuộng hàng ngoại” và ngày càng tin dùng hàng Việt.

Ông Hải cho rằng, chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa là giải pháp đáp ứng yêu cầu thiết thực của nhân dân về sản phẩm chất lượng, an toàn. Đồng thời phù hợp với chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp chân chính, trách nhiệm.

Ông Hải nhấn mạnh các đơn vị liên quan cần tiếp tục phát huy những điểm mạnh đạt được. Đồng thời nghiên cứu tìm tòi, tháo gỡ các khó khăn; đặc biệt là tìm các cách làm mới, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

nguoi-viet-dung-hang-viet-1710126893.jpg
Doanh nghiệp chào hàng tới các siêu thị

Về những khó khăn còn tồn tại, bà Huỳnh Thị Thu Trang - Giám đốc điều hành Công ty An Phát, đại diện cho nhiều doanh nghiệp trao đổi. Bà cho biết, công ty bà sản xuất và phân phối dưa lưới. Dưa lưới trồng trong nhà màng được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, bảo đảm an toàn, tuy nhiên năng suất chỉ bằng 1/3 so với dưa trồng ngoài ruộng được sử dụng phân bón hóa học vô tội vạ.

Thế nhưng, giá bán 2 loại dưa này trên thị trường không chênh lệch bao nhiêu. Do vậy, các nhà sản xuất chân chính đang gặp khó khăn khi sản phẩm của mình phải cạnh tranh với hàng kém chất lượng.

Còn ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM - cho hay, nhiều sản phẩm của Việt Nam sản xuất có chất lượng tốt, xuất khẩu rất nhiều. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, những mặt hàng này vẫn còn tình trạng trà trộn hàng kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng.

Ông lấy ví dụ, có thời điểm liên tục xuất hiện tình trạng rau bẩn, thực phẩm bẩn từ các địa phương đưa về thành phố bị phát hiện. Theo ông Phương, ngành chức năng đã rất nỗ lực kiểm soát nguồn gốc hàng hóa nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý hết được. Do đó, cần có một chế tài chặt chẽ hơn nữa để nâng cao trách nhiệm của chủ thể tham gia chuỗi cung ứng.

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP. HCM cũng chia sẻ, nhiều hệ thống phân phối xem vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng hàng hoá là yếu tố sống còn.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo đề ra chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá nhằm kết nối các hệ thống phân phối, hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên tinh thần tự nguyện, cùng xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử; nói không với nhà cung cấp vi phạm tiêu chuẩn chất lượng. Từ đó tạo sức răn đe, định hướng chuỗi cung ứng phát triển lành mạnh, an toàn và có trách nhiệm.