Hoạt động cho thuê tài chính còn gặp nhiều cản trở

Cho thuê tài chính là một giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tuy nhiên thị trường cho thuê tài chính tại Việt Nam vẫn chưa phát triển do còn nhiều vướng mắc.

Thị trường cho thuê tài chính tiềm năng nhưng chưa phát triển

Nhu cầu về vốn của nền kinh tế luôn ở mức cao, tuy nhiên để huy động được vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thường tập trung vào các kênh tín dụng, thị trường chứng khoán và trái phiếu. Nhưng hiện tại, khả năng tiếp cận vốn thông qua các kênh huy động trên đều đang bị siết chặt, gặp khó khăn.

Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn ít, không có tài sản đảm bảo là những trở ngại để tiếp cận được vốn ngân hàng. Chính vì thế, các chuyên gia tài chính luôn khuyến nghị các doanh nghiệp cần đa dạng hóa các kênh huy động vốn, chú trọng các kênh quỹ đầu tư, cho thuê tài chính,…

Cho thuê tài chính là hình thức cấp vốn trung và dài hạn thông qua cho thuê tài sản, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng đưa máy móc vào vận hành, sớm đáp ứng các đơn hàng. Tại Việt Nam hiện nay có khoảng 10 công ty cho thuê tài chính, dù số lượng doanh nghiệp cho thuê tài chính còn nhỏ, nhưng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đây là kênh huy động vốn được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp vượt qua rào cản tiếp cận vốn hiện nay.

kinh tế tài chính
Cho thuê tài chính là giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Ảnh minh họa: IT)

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, hoạt động cho thuê tài chính là một trong những phương pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp rất hữu hiệu trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cho thuê tài chính được coi là phương thức mới và ít được các doanh nghiệp sử dụng, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ lại càng ít sử dụng.

“Cho thuê tài chính là hình thức tương đối phổ biến trong cơ chế thị trường, đặc biệt là đối với các khoản vay nhỏ, không quá lớn hoặc những khoản vay mà bên cho vay thấy có khả năng thu hồi dòng tiền thì họ mới tiến hành thực hiện. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các công ty cho thuê tài chính chủ yếu tập trung vào hàng tiêu dùng, cho vay nhỏ lẻ cá nhân, hộ gia đình, còn các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chú ý”, ông Thịnh nói.

Ông Đinh Trọng Thịnh
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế. Ảnh: Báo công thương

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho biết, cho thuê tài chính là lĩnh vực khá đặc thù trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, còn nhỏ bé nên xã hội, cơ quan quản lý chưa biết đến nhiều.

Bên cạnh đó, từ trước đến giờ, các ngân hàng luôn sẵn sàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp với những nhu cầu đa dạng, đặc thù của khách hàng và do các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý, do thói quen, văn hóa “sở hữu” nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự hiểu về dịch vụ cho thuê tài chính.

Ông Hòe cho biết thêm, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bình quân 5 năm gần nhất đạt khoảng trên 1 ngàn tỷ đồng/năm; chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu các công ty hầu hết dưới 1%.

Tuy nhiên, hoạt động cho thuê tài chính còn có những khó khăn hạn chế mà ở đó nguyên nhân quan trọng là từ hành lang pháp lý quy định về hoạt động cho thuê tài chính cũng như chính sách về thuế, phí đối với loại hình hoạt động cấp tín dụng bằng tài sản đặc thù này.

Tạo hành lang pháp lý để hoạt động cho thuê tài chính phát triển

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, các công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam phát triển rất tiềm năng, có số lượng vốn mạnh tuy nhiên họ cũng rất lo ngại khi đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do không đáp ứng được yêu cầu về uy tín, báo cáo tài chính, tài sản đảm bảo,… trong công tác thẩm định, đánh giá những rủi ro.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hiểu biết về kênh cung cấp vốn dịch vụ cho thuê tài chính còn ít, các hoạt động giới thiệu, quảng bá dịch vụ đến doanh nghiệp còn hạn chế, do vậy kênh vốn này chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam.

cho thuê tài chính
Cần xây dựng hàng lang pháp lý phù hợp phát triển hoạt động cho thuê tài chính tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: IT)

“Khó khăn lớn nhất của thị trường cho thuê tài chính tại Việt Nam là do còn thiếu các văn bản pháp lý của Nhà nước, những quy định cụ thể về hình thức, thủ tục, giấy tờ,… trong đó, các hoạt động phục vụ cho việc đánh giá năng lực, tình hình tài chính của các doanh nghiệp chưa được đầy đủ, công khai”, ông Thịnh nói.

Để hoạt động cho thuê tài chính phát triển, ông Thịnh cho rằng, cần phải xây dựng cơ chế và thị trường riêng cho kênh vốn này, có các nghị định mới để tạo điều kiện cho hoạt động này phát triển rộng rãi.

Các chuyên gia tài chính cũng đồng quan điểm, về phía các cơ quan quản lý chức năng cần xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích phát triển thị trường thuê tài chính thông qua việc khuyến khích sử dụng dịch vụ/tài sản thuê tài chính, có giải pháp tăng cường truyền thông, phổ biến về dịch vụ thuê tài chính đến thị trường. Trước mắt, cần soạn thảo Nghị định về cho thuê tài chính điều chỉnh các vấn đề liên quan.

Chính vì vậy, cần có hàng lang pháp lý phù hợp phát triển hoạt động cho thuê tài chính tại Việt Nam, trong đó cần có định nghĩa phù hợp về công ty tài chính, nội dung này có thể thực hiện cùng với việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Trong đó, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ mỗi bên; xử lý hiệu quả tài sản cho thuê; tích hợp trong khung giao dịch bảo đảm; bảo đảm quyền mạnh mẽ của bên cho thuê theo Luật Phá sản, gồm quyền ưu tiên, tự động phong tỏa và đưa vào tài sản phá sản.

Bên cạnh đó, các công ty cho thuê tài chính cũng nên chủ động tìm kiếm đối tượng khách hàng phù hợp, cố gắng giảm các loại chi phí đầu vào để hạ giá dịch vụ thu hút khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ thì hoạt động này mới có thể ổn định và phát triển.