Khi Apple biến AirPods thành máy trợ thính "giá rẻ"

Apple công bố tai nghe AirPods Pro 2 sẽ sớm trở thành thiết bị trợ thính được FDA chấp thuận. Người lớn bị mất thính lực nhẹ hoặc trung bình sẽ có thể sử dụng tai nghe Apple để khuếch đại những âm thanh cụ thể mà họ muốn nghe rõ hơn.

Tại sự kiện ra mắt sản phẩm mới ngày 10/9 vừa qua, Apple đã công bố, tai nghe AirPods Pro 2 của họ sẽ trở thành thiết bị trợ thính được FDA chấp thuận trong những tuần tới thông qua bản cập nhật phần mềm. Điều đó có nghĩa, những người bị mất thính lực nhẹ hoặc trung bình sẽ có thể sử dụng tai nghe Apple để khuếch đại những âm thanh cụ thể mà họ muốn nghe tốt hơn.

Ông Sumbul Desai Phó chủ tịch phụ trách y tế của Apple cho biết thêm: “Sau khi bạn thực hiện bài kiểm tra thính lực, AirPods Pro của bạn sẽ được chuyển đổi thành một thiết bị trợ thính cá nhân hóa, giúp khuếch đại những âm thanh cụ thể mà bạn cần theo thời gian thực, chẳng hạn như các loại lời nói hoặc các yếu tố trong môi trường xung quanh”.

airpods-pro-2-1726185133.jpg

Apple AirPods Pro 2.

Thông báo kể trên cho thấy một phần chiến lược của Apple nhằm đột phá vào ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, một thị trường tiềm năng dự báo sẽ đạt 15 nghìn tỷ USD la vào năm 2030. Tổng Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã nhấn mạnh các tính năng chăm sóc sức khỏe là "đóng góp quan trọng nhất của công ty cho nhân loại”.

Chiến lược đó bao gồm phát triển các tính năng được FDA chấp thuận cho các sản phẩm đeo được của mình và thay thế những thiết bị y tế chuyên dụng đắt tiền hơn. Theo hồ sơ của FDA, kể từ năm 2020, Apple đã thêm dịch vụ thông báo về nhịp tim không đều, máy đọc rung nhĩ và máy đọc điện tâm đồ vào Apple Watch.

Tính năng mới là bản cập nhật phần mềm miễn phí cho một số mẫu AirPods và sẽ được tích hợp trong AirPods Pro 2 giá 249 USD của Apple. Nếu đây thực sự trở thành một máy trợ thính, nó sẽ khá rẻ hơn so với mức giá phổ biến hiện nay dành cho các thiết bị này. Các máy trợ thính chất lượng tốt được kê đơn trên thị trường, theo Hiệp hội mất thính lực Mỹ thì đang ở mức từ 799 USD đến hàng nghìn USD.

Barbara Kelley, Giám đốc điều hành của Hiệp hội khiếm thính Mỹ cho biết: ”Điều thực sự tuyệt vời khi Apple tuyên bố AirPods của họ có thể là thiết bị trợ thính không cần kê đơn. Điều này cho thấy sự đổi mới công nghệ ở mức giá phải chăng và trong một sản phẩm rất phổ biến”.

Apple đang cố gắng thúc đẩy doanh số bán AirPods sau một vài năm chững lại. Công ty không công bố số liệu thống kê riêng lẻ về AirPods, nhưng danh mục Thiết bị đeo của công ty đã giảm 2% hằng năm trong quý gần đây nhất. Các nhà phân tích cho biết việc bổ sung các tính năng sức khỏe như máy trợ thính sẽ mở rộng thị trường cho thiết bị, điều này có thể giúp tăng doanh số bán hàng.

“Sản phẩm máy trợ thính là một trường hợp sử dụng rất cụ thể”, Gene Munster, người sáng lập Deepwater Asset Management, ước tính AirPods chiếm khoảng 5% tổng doanh thu của Apple. Với những tính năng về sức khỏe, sản phẩm sẽ mở ra những tiềm năng mới trên thị trường.

thu-nghiem-1726185346.jpg

Trước đây, tất cả các máy trợ thính đều phải có đơn thuốc từ bác sĩ chuyên khoa thính học. Vào năm 2022, FDA đã mở cửa thị trường cho các máy trợ thính không kê đơn với giá rẻ hơn đáng kể do sử dụng phần mềm thử nghiệm âm thanh hoặc lắp đặt tại nhà.

Tuy nhiên, AirPods của Apple sẽ không ngay lập tức khiến các thiết bị trợ thính khác trở nên lỗi thời. Trong số những hạn chế của nó là pin, chỉ dùng được sáu giờ. Thời lượng pin không đủ để đeo cả ngày như một số máy trợ thính OTC có thể làm được.

Ngoài ra, AirPods Pro chỉ dành cho những người bị mất thính lực nhẹ hoặc trung bình, nghĩa là những người gặp khó khăn khi nói trong môi trường ồn ào. Các chuyên gia cho biết bất kỳ ai bị mất thính lực “nặng” hoặc “sâu” vẫn cần gặp bác sĩ thính học.

Lưu ý, máy trợ thính của Apple vẫn cần được FDA chấp thuận. Một viên chức báo chí của FDA nói với CNBC rằng các thiết bị sử dụng công nghệ hoặc phần mềm để tùy chỉnh độ vừa vặn hoặc cài đặt của máy trợ thính cần phải được cơ quan này chấp thuận trước khi đưa ra thị trường. Apple cho biết hôm thứ Hai rằng công ty đang chờ sự chấp thuận của FDA cũng như sự chấp thuận của các cơ quan quản lý trên toàn thế giới.

Bridget Dobyan, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Thính giác, cho biết bà hoan nghênh việc Apple gia nhập thị trường này để nâng cao nhận thức về sức khỏe thính giác, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp mất thính lực cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ.

Dobyan cho biết: “Máy trợ thính OTC có thể phù hợp với người lớn bị mất thính lực từ nhẹ đến trung bình, nhưng việc gặp chuyên gia chăm sóc thính lực được cấp phép cũng có thể giúp xác định nhu cầu sức khỏe thính giác riêng biệt”.

Không phải là hiếm khi Apple phải chịu sự chỉ trích từ các công ty đương nhiệm khi cho rằng các tính năng của công ty công nghệ này không thể thay thế cho các thiết bị y tế thực sự.

Ví dụ, Joe Kiani, CEO của Masimo, một công ty thiết bị y tế hiện đang kiện Apple về vấn đề sở hữu trí tuệ và hoạt động thương mại, đã nói vào đầu năm nay rằng tính năng đo nồng độ oxy trong máu của Apple Watch đang “ngụy trang” thành “một máy đo nồng độ oxy trong máu y tế đáng tin cậy”.

Sau chiến thắng pháp lý về bằng sáng chế, vào tháng 1, Masimo đã buộc Apple phải tắt máy đo nồng độ oxy trong máu trên các thiết bị Apple Watch mới bán.